Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Văn hóa yêu cầu chấn chỉnh 1 loạt các lễ hội đầu Xuân

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành các công văn số 1893/BVHTTDL-VHCS; 1894/BVHTTDL-VHCS; 307/VHCS - QLHĐLH gửi lần lượt các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Sở VHTT TP Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh một số hiện tượng phản cảm tại các lễ hội ở địa phương.

 Lễ hội chọi trâu Hải Lựu. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.
Có thể tạm dừng lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực. Hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, thiết thực, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, điển hình như: Hiện tượng tranh cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương); công tác an toàn cho người tham gia chưa đảm bảo tại lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu (huyện Sông Lô).

Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế này. Đối với Lễ hội Đúc Bụt, Bộ yêu cầu nghiên cứu xây dựng phương án chuyển đổi hình thức cướp chiếu manh thành nghi lễ rút chiếu tán lộc; đồng thời có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Đối với Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội phù hợp với nguồn gốc, lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi, mỗi thôn, làng có một trâu tham gia chọi; không tổ chức vòng loại, chỉ tổ chức 1 vòng thi chọi trâu duy nhất vào ngày tổ chức lễ hội; không bán vé thu tiền vào lễ hội.

Bên cạnh đó, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý tình huống phát sinh; có phương án kiểm soát và ngăn chặn tiêm chất kích thích cho trâu chọi; ngăn chặn hiện tượng cá cược; đảm bảo vệ sinh môi trường trong lễ hội. Đồng thời địa phương phải tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di tích và lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, văn minh tiến bộ; vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu. Kiểm tra, ngăn chặn ấn phẩm đĩa hình chọi trâu có hình ảnh phản cảm bán cho du khách.

“Trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là lễ hội truyền thống và việc tổ chức lễ hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô”, công văn nhấn mạnh.
 Hỗn loạn tại hội Phết Hiền Quan 2018
Chuyển đổi cướp phết sang thực hành nghi lễ đánh phết

1 lễ hội trọi châu khác cũng bị Bộ VHTTDL "tuýt còi" là hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Bộ yêu cầu tỉnh Phú Thọ xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên phù hợp với nguồn gốc lịch sử văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi; không tổ chức vòng loại; chỉ tổ chức một vòng thi duy nhất; không bán vé thu tiền vào lễ hội; quy định chặt chẽ trách nhiệm của BTC, chủ trâu và người tham gia lễ hội.

Trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là hội truyền thống và tổ chức hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ VHTTDL đề nghị tạm dừng tổ chức Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh.

2 lễ hội Xuân tại Phú Thọ cũng được Bộ VHTTDL "nhắc tên" tại Công văn số 1893/BVHTTDL-VHCS là hội Phết xã Hiền Quan (huyện Tam Nông), hội Cầu trâu (xã Hương Nha và xã Xuân Quang, huyện Tam Nông).

Đặc biệt, với hội Phết xã Hiền Quan, Bộ yêu cầu phải xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Trong đó phải có các nội dung gồm chuyển đổi hình thức cướp phết sang hướng thực hành nghi lễ đánh phết truyền thống; chia đội, lựa chọn người tham gia thực hành nghi lễ đánh phết, hạn chế số lượng người tham gia; quy định trách nhiệm của BTC, người tham gia thực hành nghi lễ, người tham gia hội để tránh hiện tượng tranh cướp, ẩu đả, mất kiểm soát.

Đặc biệt, phải có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố quanh khu vực đánh phết; quy hoạch khu vực dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi hoàn thiện, dự thảo Đề án phải được Bộ VHTTDL cho ý kiến trước khi phê duyệt. Trường hợp chưa xây dựng được Đề án đổi mới, Bộ sẽ đề nghị tạm dừng tổ chức hội Phết Hiền Quan.
 Người dân tranh lộc tại sân chùa Hương chiều tối 7/5. Ảnh cắt từ clip
Chấn chỉnh việc giành lộc tại các lễ hội

Trong khi đó, tại công văn gửi Sở VHTT TP Hà Nội, Bộ đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 tại Thủ đô đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch ở một số di tích, lễ hội Đền Sóc, chùa Hương; hiện tượng xô đẩy, tranh cướp tại Lễ hội làng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức)...

Qua đó, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTT Hà Nội tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di tích và lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đối với lễ hội làng Sơn Đồng (Lễ hội Giằng Bông, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), Cục yêu cầu rà soát về quy trình tổ chức, đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống; nghiên cứu thay đổi phương thức giằng bông đúng với nghi lễ, tránh hiện tượng tranh cướp dẫn đến ẩu đả, mất kiểm soát. Mặt khác, có phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội, đề ra các giải pháp kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Cục cũng yêu cầu Sở VHTT Hà Nội có chỉ đạo, yêu cầu BTC Lễ hội Chùa Hương làm việc cụ thể với trụ trì chùa Hương, vận động tăng ni không để xảy ra việc giành lộc làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Đồng thời, đề nghị nhà chùa xem xét thay đổi phương thức tổ chức lễ Mông Sơn thí thực của các năm sau theo hướng đổi mới an toàn, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.