70 năm giải phóng Thủ đô

Bộ Xây dựng đề nghị giám định, làm rõ trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn đến khi giải quyết xong sự cố.

Bộ Xây dựng đề nghị các đơn vị liên quan giám định, làm rõ trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Lương Giang
Bộ Xây dựng đề nghị các đơn vị liên quan giám định, làm rõ trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Lương Giang

Đặc biệt lưu ý bảo vệ hiện trường, tổ chức giám định nguyên nhân sập cầu

Liên quan đến việc công trình cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hai nhịp dàn thép vào ngày 9/9, Bộ Xây dựng vừa có Công văn 5273/BXD-GĐ ngày 13/9/2024 gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP thì UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong trường hợp này là Bộ Giao thông vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo, lưu ý đến việc thu thập các tài liệu kỹ thuật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình.

Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm người và phương tiện mất tích, trục vớt cầu Phong Châu. Ảnh: Lương Giang
Lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm người và phương tiện mất tích, trục vớt cầu Phong Châu. Ảnh: Lương Giang

Thứ ba, chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa khi đảm bảo các điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 32C.

Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tiếp tục thực hiện các nội dung theo Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 4/9/2024, Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 8/9/2024 của Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lũ?

Trước đó, vào sáng 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bất ngờ xảy ra sự cố sập cầu. Thời điểm xảy ra sự cố, có nhiều người và phương tiện tham gia lưu thông trên cầu nên đã bị rơi xuống sông.

Sáng 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị sập gãy 2 nhịp 6 và 7. Ảnh: Lương Giang
Sáng 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị sập gãy 2 nhịp 6 và 7. Ảnh: Lương Giang

Ngay trong ngày 9/9, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Phú Thọ, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo cho biết nguyên nhân gây sập cầu.

Theo báo cáo, cầu Phong Châu có chiều dài gần 376 m, gồm 8 nhịp, bề rộng 9 m. Trong đó, có 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực 33 m, 3 nhịp dàn thép 66 + 64 + 80, nhịp cuối cùng phía Tam Nông là dầm bê tông cốt thép 21m. Cầu bắc qua sông Hồng và có thông thuyền, bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm; thời kỳ lũ khoảng từ tháng 6 đến tháng 10.

Hàng năm cầu và tuyến quốc lộ 32C đều được lập kế hoạch bảo trì, giao vốn thực hiện bảo trì và được Sở GTVT tỉnh Phú Thọ (là chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch.

Trong đó, năm 2010 tiến hành sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn. Năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược; thảm lại mặt cầu. Năm 2018, cầu được xử lý trụ chống va xô. Năm 2019, đơn vị quản lý xử lý xói lở trụ T6, T7. Đến năm 2023, thực hiện sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bê tông phía trước khe đã bị nứt vỡ.

Về nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cầu Phong Châu, Sở GTVT Phú Thọ nhận định, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7).