Bộ xây dựng phải thấy rõ hơn về trách nhiệm quản chất lượng công trình

Buổi chất vấn được bắt đầu với câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam): “Trong kỳ họp trước, Bộ trưởng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn, nhưng tại sao Chính phủ không cho tiếp nước? Cách đây mấy hôm có người nói đập không vỡ nhưng nó sẽ bẻ ngang, gây cho lòng dân không yên tâm. Đề nghị bộ trưởng cho biết, quan điểm của mình về vấn đề này để kết thúc câu chuyện về Sông Tranh 2”. ĐB đưa ra ba phương án: Thứ nhất, bây giờ bộ trưởng nói rõ với quốc dân đồng bào trên căn cứ khoa học là đập an toàn, dân cứ ở đó không sao, thậm chí mời cán bộ lên đó ở mấy tháng luôn cho dân yên tâm. Bên cạnh đó phải phụ cấp cho dân như phụ cấp độc hại. Cộng với mua bảo hiểm tính mạng cho dân, bởi vì do tích nước hồ dẫn đến động đất kích thích. Thứ hai là công bố với quốc dân đồng bào là chưa thể yên tâm, mời đồng bào đi tái định cư nơi ở khác tốt bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Cuối cùng, nếu đập vỡ thì xin bộ trưởng cho biết, ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này.
Trả lời chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủy điện Sông Tranh 2 được tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm tra chất lượng. Quá trình khảo sát, thiết kế có đơn vị tư vấn độc lập đến từ Nhật Bản, họ khẳng định an toàn. Sau đó các đơn vị tiếp tục tập trung xử lý, và đến nay tỷ lệ nước thấm rất ít. So với đập có cao trình từ 50m trở lên thì đây là đập thấm ít nhất. Chưa dừng lại ở đó, phía chủ đầu tư phải thuê tư vấn độc lập khác kiểm tra toàn diện. Đơn vị tư vấn từ Thụy Sỹ cũng kết luận đập an toàn cả về chất lượng thi công nền móng và có khả năng chịu được động đất gia tốc nền 220cm2. Theo Bộ trưởng, ở Bắc Trà My xảy ra nhiều trận động đất, nhưng mức độ đều nhỏ hơn Viện vật lý Địa cầu cung cấp đầu vào là 5,5 độ richte. “Quan điểm của Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu là tập trung xử lý an toàn, lấy an toàn là số 1. Đó cũng là yêu cầu để an dân. Dân còn lo lắng thì không tích nước. Hội đồng nghiệm thu đã đề nghị Thủ tướng chưa tích nước Thủy điện Sông tranh 2”, Bộ trưởng nhận định và khẳng định: “Khi đã an toàn phải thực hiện công tác tuyên truyền để bà con yên tâm, sau đó mới cho tích nước. Nếu xảy ra sự cố các đơn vị có liên quan sẽ chịu trách nhiệm”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại câu hỏi của ĐB về tính an toàn của đập. Thông số kỹ thuật an toàn nhưng vẫn còn lo lắng. Đề nghị Bộ trưởng khẳng định đồng bào cứ yên tâm ở tại chỗ hay là phải chuyển đi?. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Bà con hoàn toàn yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết. Đối với đập thủy điện, tôi khẳng định đã an toàn. Nhưng nếu động đất cao hơn 5,5 độ richte thì ta phải nghiên cứu tiếp”.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Ngô Văn Minh tiếp tục cho ý kiến: Bộ trưởng nói nói yên tâm, nhưng ngay trong câu trả lời của Bộ trưởng cũng không yên tâm. Yên tâm sao được khi các nhà khoa học cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Yên tâm sao được khi rung lắc suốt ngày. Nếu chẳng may sự cố xảy ra ai là người chịu trách nhiệm và trách nhiệm của ai, ĐB Minh yêu cầu cả Thủ tướng Chính phủ cũng cần trả lời câu hỏi này.
Kết lại vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho là chưa thể nói là yên tâm được. Cho đến nay, các nhà khoa học và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, theo chứng minh đến nay có thể yên tâm và cộng với biện pháp chưa tích nước vào lòng hồ, có thể chưa ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhưng chỉ là tạm thời yên tâm thôi. Còn vấn đề động đất, cần mời các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu. Nếu không vấn đề gì mới tích nước, hoặc không thể, lúc đó mới có quyết định chính thức là dừng hay tiếp tục công trình này. Yêu cầu Thủ tướng Chính phủ trong buổi chất vấn ngày mai sẽ cho ý kiến về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Thị trường bất động sản vẫn rối
Mặc dù đã nhận được nhiều câu hỏi và giải trình nhiều thực trạng, giải pháp về sự trầm lắng của thị trường BĐS trong buổi chất vấn chiều 12/11, nhưng các giải pháp như thế vẫn chưa thể làm ấm thị trường, các ĐBQH tiếp tục đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để thị trường ấm lên, Bộ kiến nghị ngành tài chính có sự phối hợp để tháo gỡ đầu mối về vốn. Cùng với đó, trong các giải pháp Chính phủ đưa ra đã có nhiều giải pháp như Bộ Xây dựng tập trung rà soát các dự án, sản phẩm. Ngân hàng có các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ người dân với lãi suất phù hợp, ngành tài chính đề xuất những giải pháp về thuế để báo cáo Quốc hội. Theo đó, để tháo gỡ cần biện pháp quyết liệt, không chỉ doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương mà cần sự ủng hộ của Quốc hội để giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS hiệu quả.
Ghi nhận sự nỗ lực của Bộ trưởng, nhưng ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những giải pháp đưa ra chưa đặt đúng tầm nghiêm trọng của vấn đề. ĐB nhấn mạnh: Cần thấy rằng 30 năm trở lại đây, sự khủng hoảng tài chính đều bắt nguồn từ khủng hoảng BĐS. Trong khi đó hiện nay sự yếu kém trong quản lý BĐS là điển hình của sự yếu kém, sự méo mó cung cầu BĐS cũng là điểm hình của méo mó, đầu tư thái quá cũng là điển hình. Nếu không có một đề án tổng thể trên từng thị trường và phù hợp với từng địa bàn khác nhau, sẽ không giải quyết được và không hy vọng gì giải quyết nợ xấu.
Có hay không tham nhũng trong ngành xây dựng?
ĐB Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An) đặt câu hỏi: Quốc hội dành một ngày để thảo luận về việc phòng chống tham nhũng, cho thấy đây là vấn đề quan trọng. Nhưng các Bộ trưởng khi nói về sự cố sập cầu, thủy điện… đều đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng không thấy nói đến tham nhũng. Vậy Bộ trưởng cho biết có nguyên nhân tham nhũng hay không?, giải pháp của Bộ thế nào nếu có.
Trả lời cho câu hỏi này, dù không khẳng định trực tiếp, nhưng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Có nguyên nhân do năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ. Trong phẩm chất là có nói vấn đề tham nhũng, lấy cắp. Còn trong Bộ Xây dựng có tham nhũng không? Tham nhũng biểu hiện ở việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và công trình thất thoát có nhiều nguyên nhân, trong đó có tham nhũng, nhưng có được nhận diện hay không, cần sự kiểm tra phát hiện của người dân, xã hội và các cơ quan quản lý.
Kết luận lại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Các câu hỏi ĐB đặt ra rõ ràng, sâu sắc và có gợi ý làm rõ thêm tình hình, Bộ trưởng cũng trả lời rõ ràng, có trách nhiệm. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ phải phải thấy rõ trách nhiệm lớn của mình và làm tốt mấy việc như rà soát Luật xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng để chỉnh sửa theo hướng tăng cường kiểm soát chất lượng chuyên môn, từ tiền kiểm đến hậu kiểm, kể cả công trình nhỏ, công trình xã hội, dân sinh, công nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, nguyên nhân gây ra chất lượng công trình kém không thể phủ nhận là có sự rút ruột, tham nhũng, đây cũng là nguyên nhân lớn làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ. Nơi nào có công trình xây dựng, nơi đó có “một bộ phận nhỏ” này. Do đó, Bộ phải đưa ra quy định kiểm tra kiểm soát, các địa phương cũng cần nghiêm khắc. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4, cần kiểm điểm rõ việc tham nhũng trong ngành xây dựng nói chung chứ không chỉ Bộ Xây dựng…
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) về quy hoạch Thủ đô đến đâu và gặp khó khăn gì. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, Bộ và thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai lập quy hoạch 17 phân khu. Có thể nói rằng, đây là công việc lớn, vì còn quy hoạch chuyên ngành như giao thông, cấp thoát nước… và Hà Nội cũng đang tập trung điều chỉnh quy hoạch hiện có, đây là cơ sở để làm tốt công việc xây dựng Thủ đô. Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành xây dựng các văn bản để kiểm soát phát triển đô thị, khắc phục tình trạng tự phát, phong trào như thời gian qua. |