Trong đó, toàn TP Hà Nội đã ghi nhận 1.538 ổ dịch tại 25/30 quận, huyện, 241/584 xã, phường. Tổng số bệnh nhân trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6% tổng số bệnh nhân); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1.191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc phân bố chủ yếu tại quận Đống Đa và Hoàng Mai.
TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, từ 21/7 đến 10/8 có 2.027 người nhập viện tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư do SXH, trong đó có tới 87% là người dân Hà Nội (hơn 1.761 người). Ở Hà Nội, tại BV Đống Đa, 3/4 số bệnh nhân đang điều trị trong viện là bệnh nhân SXH. Tại các BV Hà Đông, BV Thanh Trì, BV Bưu Điện, BV Nông nghiệp trung bình mỗi ngày có 500 - 700 bệnh nhân SXH đến khám, 1/4 trong số đó phải nhập viện.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phải tiếp tục tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống muỗi đốt như bôi thuốc chống muỗi đốt, dùng hương muỗi. Đồng thời, tiếp tục xử lý triệt để các ổ lăng quăng, bọ gậy trong cộng đồng. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế khám và chỉ nhập viện nếu thực sự quan trọng, tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Đội xung kích diệt bọ gậy phải hoạt động tích cực, đem lại hiệu quả thực sự chứ không chỉ làm hình thức.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm máy móc, hóa chất phun thuốc cho Hà Nội. “Hà Nội cần tập trung phun thuốc diệt muỗi tại chợ, bệnh viện, trường học, các công trường xây dựng, Hà Nội phải huy động được 20 xe phun thuốc diện rộng vào cuộc dập dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.