Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóc trần sự thật về táo Trung Quốc đội lốt Hà Giang

Nhóm PV NNNT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh xuất hiện một loại táo được người bán quảng cáo là táo đá Hà Giang bán với giá khá mềm và hút khách.

Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang khẳng định, tỉnh Hà Giang không có sản phẩm này.
Bày bán la liệt
Chiều 25/10, qua khảo sát tại nhiều tuyến đường, phố như Đê La Thành, Pháo Đài Láng, Hồ Tùng Mậu, Giải Phóng… và một số chợ dân sinh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị nhận thấy có rất nhiều gánh hàng rong, xe thồ, quầy hàng bày bán loại táo này. Theo quan sát, loại táo này có màu nâu hơi tím, có chỗ vỏ còn xanh và kích cỡ trung bình. Khi chúng tôi hỏi, những người bán hàng đon đả giới thiệu là "táo đá Hà Giang" hay "táo đá Sa Pa" xịn 100%. Chị Thu, một người bán hoa quả ở khu vực Pháo Đài Láng cho biết, mỗi ngày chị nhập từ 30 - 40kg táo đá ở chợ đầu mối Long Biên và bán hết trong ngày. “Táo Trung Quốc ăn xốp chứ không giòn như táo đá. Với lại mùa này làm gì có táo Trung Quốc?” – chị Thu quả quyết về nguồn gốc sản phẩm của mình.

“Táo đá Hà Giang” được bán tại phố Pháo Đài Láng.        Ảnh: Lê Trang

Hiện nay, trên thị trường, loại quả được gọi là "táo đá Hà Giang" có giá bán khá mềm, chỉ từ 15.000 – 25.000 đồng/kg. Trong vai người mua táo, chúng tôi cũng được một thanh niên bán táo trên đường Hoàng Ngọc Phách (phường Láng Hạ) giới thiệu: “Táo này em nhờ người quen từ Hà Giang chuyển xuống cho, các anh, chị cứ yên tâm ăn vì đây là táo sạch, được hái trực tiếp trên cây rồi đem bán và không dùng bất cứ hóa chất nào”. Thanh niên này quảng cáo thêm, vài ba ngày mới có một chuyến hàng chuyển xuống Hà Nội để bán, tuy nhiên khi được hỏi loại táo này được trồng ở đâu của tỉnh Hà Giang thì anh này lắc đầu không biết.
Trong khi những người bán táo khẳng định là táo đá Hà Giang, nhiều người bán hoa quả lâu năm lại một mực cho rằng đó không phải là táo Việt Nam. Một tiểu thương ở chợ Láng Hạ A thẳng thắn chia sẻ, việc gọi là "táo đá Hà Giang" thực chất là để lấy lòng tin của người tiêu dùng cho dễ bán hàng. Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng cho biết, đơn vị thường xuyên lấy mẫu trái cây trên thị trường để kiểm tra chất lượng, nhưng sản phẩm "táo đá Hà Giang" mới được nghe đến gần đây.
Sự thật về nguồn gốc
Trước những thông tin về táo đá được bán tại Hà Nội, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Giang tỏ ra khá bất ngờ. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có vùng nào trồng táo đá. Hầu hết các loại táo được bán trên thị trường Hà Giang đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được vận chuyển về qua đường tiểu ngạch. Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Giang, các loại trái cây chủ lực của địa phương là cam sành, mận tam hoa, xoài, hồng… còn cây táo qua khảo sát không có vùng trồng. Ngay cả một số địa phương lân cận như Tuyên Quang, Cao Bằng cũng không trồng loại táo đá như quảng cáo của tư thương.
Tiếp tục đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của mặt hàng táo đá được quảng cáo, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc – Bộ NN&PTNT). Ông Hà Quang Thưởng – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, cây táo (loại trái to – không phải giống táo ta) có thể trồng được ở một số vùng ôn đới của các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang… Tuy nhiên, trên thực tế, ở tất cả các địa phương này đều chưa phát triển vùng trồng táo mà chỉ trồng đơn lẻ trong hộ gia đình, tỷ lệ đậu quả thấp. Ông Thưởng cho biết thêm, hiện nay, đang có một số dự án trồng thử nghiệm cây táo Hàn Quốc tại một số vùng có không khí lạnh như Sa Pa (Lào Cai), song quy mô rất nhỏ. “Mỗi cây chỉ có vài quả không đủ ăn chứ chưa nói là có sản lượng bán ra thị trường” – ông Thưởng nói.
Rõ ràng, với những thông tin mà cơ quan chức năng đưa ra có thể khẳng định, loại quả được gọi là "táo đá Hà Giang" được bán với giá rẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thực chất là là táo Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên có tình trạng mặt hàng trái cây mập mờ về nguồn gốc được bán tại Hà Nội. Trước đó đã có những sản phẩm được nhập lậu qua đường tiểu ngạch về “đột lốt” trái cây nội như mận, thanh mai, mây Thái…  đánh lừa để móc túi người tiêu dùng. Do vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những lời quảng cáo của tư thương, tránh mua phải sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng để rồi “tiền mất tật mang”.