Ông đánh giá thế nào về con số bội chi 66.400 tỷ đồng ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 5 tháng đầu năm? - Theo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016 đã được Quốc hội thông qua, mức bội chi cả năm là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Đến nay, sau 5 tháng, con số thâm hụt ở mức 66.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% so với dự toán cả năm. Vì thế, nghe con số bội chi tuyệt đối có vẻ lớn nhưng tỷ lệ bội chi 5 tháng so với dự toán cả năm lại không lớn. Ngoài ra, tốc độ thu ngân sách 5 tháng đầu năm bằng 34% dự toán năm; tốc độ chi bằng hơn 32% dự toán năm, nghĩa là tốc độ thu tăng cao hơn tốc độ chi. Do đó, con số bội chi này chưa phải là cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng chi vượt thu kéo dài triền miên. 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách hơn 346.000 tỷ đồng trong khi tổng chi lên tới 412.600 tỷ đồng. Thâm hụt ngân sách năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước - đó là tình trạng đáng báo động. Điều này cho thấy kỷ luật tài chính ngân sách đang quá kém. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc giữ được tốc độ tăng bội chi này từ nay đến cuối năm vẫn rất khó khăn. Thông thường, những tháng cuối năm, nhu cầu chi tiêu sẽ tăng mạnh. Vì vậy, khả năng giữ được tỷ lệ tăng bội chi thấp hay không là cả vấn đề. Thu không đủ chi, NSNN sẽ phải vay thêm nợ để chi tiêu. Điều này có làm nợ công thêm nặng gánh không? - Đối với Việt Nam, nợ công có xu hướng tăng, bội chi ngân sách triền miên. Làm ra 10 đồng mà chi mất 12, 13 đồng thì tất nhiên phải đi vay nợ thôi. Nguy hiểm hơn, thâm hụt ngân sách lớn, rủi ro nhiều, các khoản vay nước ngoài sẽ bị yêu cầu trả lãi suất cao, hệ số tín dụng cao. Vay nhiều, nợ lớn, lãi cao…, với tình trạng này nếu không ngăn chặn được thâm hụt bằng kỷ cương ngân sách tốt, bội chi không giảm, nguy cơ vỡ nợ sẽ rất lớn. Thâm hụt ngân sách, nợ công tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, cán cân thương mại, lãi suất? - Như tôi đã nói ở trên, thâm hụt ngân sách thì sẽ phải vay nợ. Vay nợ nước ngoài không đủ phải vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất huy động cao (trên 7%). Lãi suất cao, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, chi phí tăng, giá thành tăng, giá cả tăng… sẽ dẫn đến lạm phát tăng. Câu chuyện cơ cấu lại thu - chi đang được nói đến nhiều hơn. Trong bối cảnh nhiều loại thuế xuất nhập khẩu sẽ được cắt giảm theo các cam kết hội nhập, việc tăng thu bằng công cụ thuế có khiến tăng trưởng đi xuống không? - Để giảm bội chi, cần phải tái cơ cấu nguồn thu và chi. Với việc tăng thu, cần có các chính sách tài khóa phù hợp để khuyến khích các nguồn thu. Với việc tăng thuế, cần cân nhắc để có mức thuế vừa sức với DN và người nộp thuế. Bên cạnh đó, có thể tăng thuế các mặt hàng không thiết yếu hay xa xỉ phẩm. Với tăng trưởng, khi ngân sách thâm thủng, chi đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giảm, tất nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Vậy, giải pháp nào để giảm bội chi trong bối cảnh hiện nay? - Trước hết, chúng ta phải có giải pháp tái cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, giảm chi bằng kỷ luật ngân sách, mạnh tay cắt giảm chi thường xuyên và giảm bộ máy hành chính. Với công tác quản lý nợ công, cần tăng cường hiệu quả quản lý nợ theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; tiếp tục cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn; tăng trách nhiệm đối với hiệu quả đầu tư công với tiêu chí đánh giá hiệu quả rõ ràng, minh bạch. Xin cảm ơn ông!
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh: Cần nhìn thẳng vào sự thật Việt Nam cần khẩn trương xây dựng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và cân đối NSNN nói riêng, bao gồm cả ngân sách T.Ư và địa phương theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, chỉ ra những nguyên nhân lâu dài và trực tiếp dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách tăng, nợ công tăng lên nhanh chóng và nguy cơ vỡ nợ là hiện thực. Về cân đối ngân sách, có thể sơ bộ xác định một số yếu tố như bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp kém hiệu quả, tiêu xài quá khả năng chịu đựng. Chi thường xuyên quá cao, lên đến 70% tổng chi ngân sách, bao gồm những khoản chi ngân sách lãng phí vượt quá tiêu chuẩn của NSNN như xe công… Ngoài ra, tính công khai minh bạch của ngân sách kém. Đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả, lãng phí, tình trạng thất thu, lạm thu xuất hiện song song với nhau, như thất thu trong khai thác tài nguyên khoáng sản, nhà đất, trong khi lạm thu ngoài pháp luật đè nặng lên DN. Cần xây dựng lộ trình tái cơ cấu NSNN với những bước đi đồng bộ thích hợp như tinh giản bộ máy, thực hiện công khai minh bạch tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực… Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính Trương Hùng Long: 5 thách thức của nợ công Việc kiểm soát nợ công hiện đang đứng trước 5 thách thức. Thứ nhất, tốc độ nợ công đang tăng nhanh (từ 50,7% GDP năm 2010 lên 62,2% năm 2015) và tiệm cận giới hạn cho phép, xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tăng mạnh. Thứ hai, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay vốn nước ngoài theo hướng giảm kỳ hạn từ 10 - 15 năm, chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước. Thứ ba, việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của Nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án. Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến... Thứ tư, các công cụ quản lý nợ còn thiếu, chưa đảm bảo chủ động, chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính ngân sách và đầu tư công trung hạn… Thứ năm, công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nợ công, chủ động trả nợ, giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của pháp luật. |