Kinhtedothi - Huy động phí và lệ phí không thấp hơn 19 - 20% GDP, dự toán thu dầu thô là 60 USD/thùng, bội chi ngân sách tương đương 4,95% GDP... với những nội dung trên, sáng 11/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016.
Quốc hội tán thành với dự toán tổng thu NSNN là 1.014.500 tỷ đồng, chưa kể 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ NS địa phương năm 2015 sang năm 2016. Trong đó, thu nội địa từ nền kinh tế tăng 16,9%, thu dầu thô tính trên cơ sở sản lượng do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xây dựng (14,02 triệu tấn) và giá bán 60 USD/thùng (giảm 40 USD/thùng so với giá trong dự toán năm 2015).
Nghị quyết nêu rõ, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thu NSNN, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, vừa giảm thiểu tác động giảm thu do cắt giảm thuế quan để hội nhập quốc tế và giảm thu từ dầu thô. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu động viên hợp lý nguồn lực vào NSNN, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21%GDP, trong đó từ thuế, phí không thấp hơn 19 - 20%GDP.
Dự kiến, số chi cân đối ngân sách khoảng 1.273.200 tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách năm 2016 dự kiến ở mức 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Nghị quyết yêu cầu, thực hiện cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên, tiết kiệm triệt để các khoản chi chưa thật cần thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh…
Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành tổng cộng 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm nay và 2016 để cơ cấu lại nợ trong nước, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia. Đồng thời nhất trí thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu phát hành trong nước, bằng cách hạn chế các kỳ hạn từ 3 đến dưới 5 năm ở không quá 30% khối lượng. 70% còn lại phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Quốc hội cũng đồng ý phương án tăng lương 5% từ ngày 1/5/2016 và cho phép dùng một phần tiền bán vốn DN Nhà nước để bù hụt thu 2015 và tăng chi đầu tư phát triển cho năm 2016.
Theo đó, mức tăng lương cơ sở 5% tương ứng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Về nguồn tiền, giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán NSNN được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách T.Ư hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ. Trước đó, Ủy ban Tài chính NS của Quốc hội tính toán, với mức tăng lương này, dự kiến NS sẽ phải chi khoảng 11.000 tỷ đồng cho năm 2016.
Đánh giá về các chỉ tiêu NS năm 2016, bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình với dự toán NS đề ra, cho rằng đây cũng là mức dự toán khá cao so với số liệu các địa phương xây dựng (số chênh lệch vào khoảng 65.000 tỷ đồng). “Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã tính trên cơ sở dự báo tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đặc biệt là tác động của việc cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế nên khó có thể dự báo cao hơn. Dự toán thu dầu thô giá bán 60 USD/thùng đây là mức dự toán tích cực, đã bao gồm yêu cầu tăng thu qua công tác chống nợ đọng thuế, trốn thuế, chống thất thu thuế” - ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận xét.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước với mức lãi suất hợp lý và thời hạn dài hơn sẽ giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn song cũng lưu ý tính đến có thể gặp rủi ro về tỷ giá. ĐB cho rằng, cần có thống kê đầy đủ, chính xác các khoản nợ công, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay...
Về phương án tăng lương, các ĐB cho rằng, tăng 60.000 đồng là thấp, nhưng do lương còn tính theo hệ số, nên mức này cũng sẽ cải thiện một phần đời sống của cán bộ công chức, người làm công ăn lương. “Đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ” - ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) chia sẻ. Bên cạnh giải pháp tăng lương, Chính phủ phải tiếp tục các giải pháp kiềm chế lạm phát. Vì không kiềm chế được lạm phát thì cứ tăng một chút là lại ảnh hưởng, ĐB Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khuyến nghị.
Ngoài ra, các ĐB cũng cho rằng, Chính phủ phải sắp xếp bộ máy hành chính gọn lại, cải cách hành chính, tinh giản biên chế căn cứ vào định mức lao động, xác định vị trí việc làm... “Để cải cách tiền lương một cách căn cơ thì không chỉ có tăng mức lương cơ sở, mà phải cải cách lại cả hệ thống thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương. Làm sao cho tiền lương đúng là lương, phần cứng phải hơn phần mềm, đồng thời, tiền lương phải là đòn bẩy để tăng năng suất lao động” - ĐB Bùi Sĩ Lợi nói.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
|