Kinhtedothi - Cả nước có gần 19.300 quy hoạch, riêng chi phí để lập quy hoạch đã gần 8.000 tỉ đồng! Số lượng quy hoạch khổng lồ này dẫn đến khi thực hiện thì bị chồng lấp hoặc khó triển khai, quy hoạch mới ban hành đã bị điều chỉnh bổ sung, hiệu quả kém. Luật Quy hoạch sắp ra đời có giúp chấn chỉnh lại tình hình hay không?
Ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Quy hoạch sáng nay - Ảnh: Văn Nam
|
Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật Quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (6/6), ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nói rằng, có 3 loại quy hoạch chính gồm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch vùng và quy hoạch sử dụng đất. Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo thông lệ quốc tế, quy hoạch phát triển thường bao gồm quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch không gian. Khi hai loại quy hoạch này được nhất thể hóa thì được gọi là quy hoạch tổng thể.
Quy hoạch không dựa trên thực tế
Số liệu đưa ra tại hội thảo cho thấy từ 2011 – 2020 tổng số quy hoạch đã được lập và các quy hoạch bộ ngành được phép lập lên đến 19.285 quy hoạch, chi phí lập quy hoạch lên đến gần 8.000 tỉ đồng.
“Thậm chí có địa phương có trên 200 quy hoạch, đến nỗi không nhớ nổi tên của quy hoạch chứ đừng nói đến thực hiện quy hoạch. Tôi lấy ví dụ như tỉnh Quảng Ngãi có 13 quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 53 quy hoạch do địa phương phê duyệt. Một địa phương như Quảng Ngãi mà có đến 66 quy hoạch chi phối là quá nhiều và chồng lấp”, ông Các nêu thực trạng về số lượng quy hoạch hiện nay.
Một hạn chế khác của công tác lập quy hoạch thời gian qua là tính dự báo của quy hoạch kém.
Ông Các đưa ra trường hợp Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam trước đây, dự báo công suất cảng biển cả nước đến năm 2010 là 200 triệu tấn, nhưng đến 2010 thực tế lên đến 259 triệu tấn, vượt 30% so với dự báo của quy hoạch. Hoặc như quy hoạch ngành xi măng, dự báo đến năm 2010 nhu cầu tiêu thụ gần 47 triệu tấn, nhưng thực tế nguồn cung xi măng đến năm 2011 đã dư thừa gần 7 triệu tấn.
“Chúng ta thấy ma trận về các bảng quy hoạch đã thể hiện sự yếu kém trong công tác lập quy hoạch thời gian qua. Nguyên nhân sự yếu kém là có tư duy nhiệm kỳ, duy ý chí, lập quy hoạch chưa dựa trên nhu cầu thực tế”, ông Các nhận định.
Luật Quy hoạch được xây dựng theo hướng nào?
Luật Quy hoạch sắp trình ra Quốc hội xem xét được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những bất cập của công tác quy hoạch hiện nay.
Ông Các cho biết việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch dựa trên quan điểm quy hoạch là phải có công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội. Quy hoạch cấp quốc gia lập trước, để định hướng lập quy hoạch vùng, địa phương; còn quy hoạch phát triển ngành sẽ được lập đồng thời với quy hoạch cấp vùng.
“Luật Quy hoạch lần này có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước, tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch”, ông Các nói thêm.
Theo dự thảo, Luật Quy hoạch gồm 6 chương và 67 điều có đề cập đến thời kỳ lập quy hoạch là 10 năm, cùng với thời kỳ của chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch từ 20 – 50 năm.
Về thể chế quản lý quy hoạch theo phân cấp, dựa trên mô hình cộng đồng đô thị của Pháp, ông Phạm Sỹ Liêm đề nghị lập hội đồng tự quản phát triển vùng, trách nhiệm quan trọng của hội đồng này là quản lý quy hoạch vùng theo phân cấp và quan hệ chặt chẽ giữa cấp trung ương và cấp tỉnh.
Cũng theo bảng thuyết minh Luật Quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phạm vi luật này sẽ giúp hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch, giảm thiểu sự lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay dự thảo Luật Quy hoạch đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý, chuẩn bị hoàn thành và trình Chính phủ. Dự kiến Luật Quy hoạch sẽ trình ra Quốc hội xem xét vào cuối năm và nếu được thông qua thì luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.