Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bong bóng” bất động sản chưa thể vỡ

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) đang bình ổn hay lung lay? Để trả lời câu hỏi này, nội tại quan điểm của mỗi chuyên gia địa ốc đều cho rằng có dấu hiệu nhưng chỉ cục bộ, không thể gây ra "bong bóng" toàn cục.

Mới đây, tại một hội thảo bàn về chính sách BĐS, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cảnh báo tình trạng bong bóng BĐS đang đến gần khi có 8/10 dấu hiệu xuất hiện, gồm: Giao dịch tăng, giá tăng, các công trình khởi công tăng, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tăng, quy mô dự án tăng, giá trị một dự án tăng, nguồn tiền vào các dự án BĐS tăng.
Ít nhất trong ngắn hạn năm 2018, chưa thể xảy ra bong bóng bất động sản
“Chỉ còn 2 dấu hiệu nữa, thị trường sẽ chạm vào khủng khoảng 2000 - 2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. Hai dấu hiệu này đang kéo ngược thị trường BĐS. Thị trường BĐS có chu kỳ 10 năm lại quay vòng: Phục hồi - tăng trưởng - suy thoái - khủng khoảng. Trên thực tế, từ năm 2011 - 2013, thị trường BĐS Việt Nam nằm ở đáy khủng khoảng, năm 2014 phục hồi, từ năm 2015 - 2017 đạt mức bắt đầu tăng, với năm 2018 thì "truyền thống" không làm gì cũng tăng, nhưng năm 2019 làm gì cũng khủng khoảng” - ông Chung nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan khẳng định “hoạt động bán - mua năm 2018 vẫn sôi động”. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định chưa thể xảy ra "bong bóng" BĐS. Với sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; các DN cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn. Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HoREA, để thị trường thật sự bình ồn cần cắt các cơn sốt ảo giá đất, giá đất nền, đất nông nghiệp và condotel tại các xã ven dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Đây chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời. "Thủ phạm chính" là giới đầu nậu và cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng gây ra các đợt sốt ảo giá đất, giá đất nền tại một số địa phương.
“Hai yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường BĐS, và chủ yếu xảy ra ở phân khúc đất nền, đất nông nghiệp và condotel. Theo đó, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời, chứ không thể gây ra "bong bóng" trên toàn bộ thị trường BĐS. Cơn sốt giá ảo này cũng gây tác hại cho thị trường, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, nhất là có thể gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường bị hạ nhiệt” - ông Châu nhận định.