Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bóng cười” vẫn bán tràn lan

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu sở ngành liên quan siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán "bóng cười", một thú tiêu khiển mới của khá nhiều học sinh, sinh viên.

Theo đó, TP yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường nghiêm cấm học sinh sử dụng loại bóng này. Đây là động thái tích cực nhằm đẩy lùi thú vui nguy hiểm này. Tuy nhiên, hiện nay, dạo một vòng qua các quán nước tại một số tuyến phố của Hà Nội như Bà Triệu, Mã Mây, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Huân…, không khó để bắt gặp những bạn trẻ mải mê với những trái “bóng cười”.

“Bóng cười” được sử dụng thoải mái tại một quán cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm.

Trong vai một người có nhu cầu kinh doanh loại bóng đặc biệt này, khi liên hệ với một số điện thoại bán “bóng cười” qua mạng, chúng tôi liền nhận được lời giới thiệu hàng cùng với giá bán dao động từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/bình loại 5kg (bơm được khoảng 250 - 300 quả bóng) hoặc 6,5 - 7 triệu đồng/bình loại 20kg (bơm được trên 1.000 quả bóng).
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế, hiện nay, khí N2O tuy không phải là chất cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng về bản chất đây là chất gây ảo giác, thường được sử dụng khi gây mê. Khí N2O khiến cho người sử dụng bị hoang tưởng. Điều nguy hiểm hơn nữa là những chất này có thể gây nghiện, và dù sau này có được điều trị chữa trị thì nó vẫn có nguy cơ người sử dụng có ham muốn sử dụng lại.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của TP đã liên tục tiến hành kiểm tra các điểm có dấu hiệu cung cấp “bóng cười”. Hầu hết các điểm kinh doanh qua kiểm tra không xuất trình được giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện cũng như xác định nguồn gốc của các bình khí N2O nên lực lượng chức năng tạm giữ số lượng không nhỏ bình khí N2O, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quỳnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ, do đây không phải là sản phẩm cấm buôn bán nên chỉ có thể lập biên bản hành vi tàng trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc (bình khí N2O) và bàn giao cho lực lượng quản lý thị trường xử lý theo đúng quy định”.
Theo luật sư Nguyễn An Bình, Công ty Luật Hồng Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội), với các chất trong danh mục chất cấm, nếu gây nghiện mức độ nhẹ sẽ bị phạt hành chính; trường hợp số lượng nhiều, mức độ gây nguy hại đến xã hội lớn sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định cụ thể về “bóng cười” như một chất gây nghiện để cấm buôn bán và sử dụng. Do vậy, các cơ quan chức năng mới chỉ có thể quản lý và giám sát về nguồn gốc xuất xứ của bình khí N2O tại để xử lý hành vi tàng trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Mặc dù, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán “bóng cười”, song đây mới chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của “bóng cười”; Bộ Y tế cần sớm có văn bản quy định, hướng dẫn kinh doanh, dùng khí N2O và hóa chất tương tự gây ảo giác, ảnh hưởng sức khỏe người dân.