Bóng đá của quần chúng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng này, U23 Việt Nam sẽ lên đường sang Singapore tham dự SEA Games. Trước đó, họ còn một trận đấu quốc tế để ông Miura tổng rà soát về nhân sự.

CĐV Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả.
CĐV Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả.
Đáng nói ở chỗ, VFF đã quyết định mang trận đấu này về tận Cẩm Phả để tổ chức thay vì sân Mỹ Đình như thường lệ.

Mỹ Đình không còn là nhà hát

Trong khi sân Mỹ Đình ngày càng thiếu sức hấp dẫn với khán giả thì tại nhiều địa phương, người hâm mộ mong mỏi một ngày được chứng kiến đội tuyển thi đấu. Theo thống kê, trong khoảng 10 trận đấu gần đây, chỉ hai lần sân Mỹ Định chật cứng khán giả. Đó là trận đấu giữa tuyển Việt Nam và CLB Arsenal vào tháng 7/2013 và bán kết AFF Cup 2014. Còn lại, phần lớn các trận đấu diễn ra chỉ thu hút được một lượng khán giả khiêm tốn. Có những trận đấu giá vé rất thấp nhưng chỉ có vài ba ngàn người đến sân xem thi đấu.

Có nhiều lý do khiến người Hà Nội quay lưng với các trận đấu của đội tuyển. Người thì bảo thành tích của đội bóng những năm qua không tốt nên khó lòng duy trì được ngọn lửa nhiệt tình nơi người hâm mộ. Ý kiến khác thì bảo, các nhà tổ chức không biết tạo ra những giá trị gia tăng ở mỗi trận đấu nên khán giả ít đến sân. Đó là chưa kể đến việc, giá vé xem các trận đấu luôn đắt, khiến giới học sinh, sinh viên không có điều kiện đến sân.

Việc các khán đài vắng khán giả khiến VFF chịu tổn thất lớn về tài chính. Giá thành tổ chức một trận đấu quốc tế ngày một lên cao, trong khi doanh thu bán vé đang rớt thê thảm. VFF lỗ về mặt tài chính trong bối cảnh nguồn thu ngày một teo tóp là điều dễ nhìn thấy. Nhưng, một mất mát lớn đó chính là sự nản lòng của các nhà tài trợ. Không một ai chịu bỏ tiền tài trợ cho ĐTQG khi các trận đấu chẳng kéo được khán giả đến sân.

Bóng đá tìm khán giả

Trong khi sân Mỹ Đình vắng lặng mỗi lần ĐTQG thi đấu thì tại Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh dòng người vẫn đổ đến sân vận động vào mỗi cuối tuần. Thậm chí, tại các địa phương này, có thời điểm người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để sở hữu một tấm vé vào sân. Điều này buộc các nhà tổ chức vốn đang bị biến thành những nhà kinh doanh bóng đá phải suy nghĩ để tìm đường cứu sản phẩm của chính mình.

Bóng đá phải đến với những nơi mà người tiêu dùng - khán giả sẵn sàng đón nhận nó. Tất nhiên, để làm được điều này, những nhà tổ chức phải thay đổi tư duy, đó là tìm đến khách hàng thay vì ngồi một chỗ chờ dòng tiền tự chảy vào tài khoản của mình. Thế mới có chuyện, lần đầu tiên một TP nhỏ là Cẩm Phả - nơi chưa có khách sạn 5 sao, sân vận động không hoành tráng nhưng vẫn được chọn làm nơi tổ chức trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar vào ngày 22/5 tới. Lý do thật đơn giản, ở đây, các nhà tổ chức đảm bảo rằng, chắc VFF sẽ không phải chịu lỗ vốn vì một sự kiện có liên quan đến đội tuyển.

Trong tương lai, những trận đấu của ĐTQG sẽ được tổ chức tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… Bên cạnh yếu tố khán giả - tài chính thì đó cũng là cách để VFF thể hiện sự ghi nhận với những địa phương vốn đang đóng góp nhân sự cho ĐTQG. Âu sự chuyển biến về quan điểm đó cũng rất cần thiết cho một nền bóng đá vốn vẫn đang còn rất trì trệ trong việc khơi nguồn tài chính.