Bóng đá không tình thân

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, V-League luôn đối diện với sự hồ nghi. Dư luận luôn có xu hướng đặt câu hỏi với mọi vấn đề của giải đấu.

Từ công tác trọng tài đến ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ đội bóng luôn được nhìn nhận với con mắt cảnh giác nhất.

Gà nhà đá nhau

Giai đoạn vừa qua, giải đấu chứng kiến sự thăng hoa mạnh mẽ của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Họ đang trở thành đối trọng nặng ký với Hải Phòng và FLC Thanh Hóa trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Đáng nói là giữa 2 đội bóng này có một mối liên hệ, đó là "cổ động viên đặc biệt" Đỗ Quang Hiển. Ông Hiển tự nhận mình là cổ động viên. Dư luận thì gọi doanh nhân này là ông bầu. Và cũng vì mối liên hệ về tài trợ mà những trận đấu giữa Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng hay QNK Quảng Nam với SHB Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Một pha tranh bóng trong trận Hà Nội T&T - SHB Đà Nẵng.
Một pha tranh bóng trong trận Hà Nội T&T - SHB Đà Nẵng.
Nhiều người đã nghĩ, vì tình thân mà đội bóng vốn bày tỏ tham vọng vô địch mạnh nhất là SHB Đà Nẵng sẽ có kết quả có lợi. Nhưng rút cuộc, chiến thắng thuộc về đội khách Hà Nội T&T. Và cũng chỉ một tuần sau, đến lượt QNK Quảng Nam khiến đội bóng bên bờ sông Hàn nếm trái đắng trong bối cảnh họ cần phải thắng để duy trì vị thế trên bảng xếp hạng.

Bóng đá vốn chưa bao giờ hết phức tạp. Nhưng, nếu nhìn nhận cuộc chơi theo con mắt tích cực thì những trận đấu giữa SHB Đà Nẵng - Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng - QNK Quảng Nam thực sự là điểm sáng. Người trong cuộc đã xóa tan những nghi ngờ từ dư luận bằng một thái độ chuyên nghiệp.

Không thể bắt dư luận thôi đặt dấu hỏi, nhưng nếu hiểu nội tình thì sẽ thấy, những trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T luôn căng thẳng hơn mức bình thường. Không căng thẳng sao được khi mà khoản tiền thưởng lớn hơn thường lệ đã chờ sẵn người chiến thắng. Cầu thủ luôn vì bản thân họ, vì cuộc sống gia đình. Đó là thực tế. Và, cả những người trong cuộc nữa, họ bỏ hàng chục tỷ đồng tham gia cuộc chơi chuyên nghiệp để mưu cầu sự tôn trọng, vinh danh từ dư luận nên sẽ biết cách để bảo vệ hình ảnh của mình. Chơi đẹp, chơi sạch thì bất kể thắng hay thua thì họ đều có chiến thắng về mặt thương hiệu.

Nỗi ám ảnh trả điểm

Thực ra thì nghi ngờ khi các đội bóng của bầu Hiển nhường nhịn nhau có cơ sở từ nỗi ám ảnh "liên minh ma quỷ" trong quá khứ. Các đội bóng thường có xu hướng thắng trận trên sân nhà và thua trên sân khách. Khi ấy hai đội bóng đều có 3 điểm và dồn sức quyết đấu với những đối thủ không thuộc liên minh. Lựa chọn này giúp các đội bóng an toàn nhưng khiến giải đấu mất đi sức hấp dẫn, đặc biệt là ở giai đoạn 2 khi dư luận đã chán với những trận đấu đã được lập trình.

V-League 2016 đang bước vào giai đoạn nước rút. Nhiều trận thua đáng bị đặt câu hỏi đã diễn ra. Có những đội bóng rất mạnh như FLC Thanh Hóa và đặc biệt là Bình Dương đã có những trận thua khiến những người yêu mến thất vọng. Họ đã thua những đối thủ yếu hơn. Đặc biệt, Bình Dương còn thua trên sân nhà trước đội bóng mất đi 50% sức mạnh do thiếu cầu thủ ngoại. Rồi ngay sau đó, họ lại trắng tay trước HAGL, đội bóng đang cận kề khu vực phải xuống hạng. Hệ quả là Giám đốc kỹ thuật Đặng Trần Chỉnh đã chính thức bị bay ghế do không kiểm soát được phòng thay đồ.

V-League không phải là chỗ của tình thân, của sự vay mượn. Và nếu không làm được điều đó, bất cứ đội bóng nào cũng thất bại và sẽ có người phải trả giá đắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần