Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá nam SEA Games 29: Cần tĩnh tâm trở lại

Diệp Xưa/CAND
Chia sẻ Zalo

Sau trận đấu với U.22 Indonesia, không khí Đội tuyển U.22 Việt Nam khá trầm lặng. Nhưng xét cho cùng thì trận hoà ấy cũng chẳng phải là thảm hoạ.

Trong bối cảnh chuẩn bị phải gặp đối thủ quyết định cuối cùng thì chớ để những hệ luỵ của trận đấu ấy "cuốn" mình đi.

Muốn vậy, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng cùng ban huấn luyện phải giải quyết tốt vấn đề tâm lý. Đã có những chỉ trích rất nặng nề dành cho một số cầu thủ U.22 Việt Nam sau trận gặp Indo, đặc biệt là tiền đạo Hồ Tuấn Tài. Những chỉ trích ấy có thể khiến Tài bị cùn chân, nên việc tiếp tục dùng Tài hay thay bằng Hà Đức Chính là điều mà ông Thắng phải tính kỹ. Một số cầu thủ khác như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh...cũng có chút ít cảm giác hẫng khi phải đấu với một đối thủ "cứng" như Indo. Rõ ràng, Indo khác hẳn so với 3 đối thủ "kèo dưới" trước đó, và hôm nay có thể Thái Lan còn khác nữa.

Bên cạnh vấn đề tâm lý là vấn đề nhân sự. Những thông tin mới nhất cho hay sau chấn thương nặng trong trận đấu với Indo, khả năng tiền vệ quyét Duy Mạnh ra sân là rất khó. Vậy thì ai sẽ lấp vào khoảng trống Duy Mạnh để lại? Nếu là Tuấn Anh, chúng ta sẽ có cặp tiền vệ làm bóng Tuấn Anh - Xuân Trường khá ổn, nhưng khả năng phòng ngự sẽ là dấu hỏi lớn. Nếu là Đồng Triều, tính chiến đấu có thể sẽ cao hơn, nhưng khả năng "bắt nhịp" của Đông Triều cũng là dấu hỏi, vì Triều mới chỉ có một trận ra sân duy nhất gặp Philippines. Nhưng ông Thắng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác cả, nên đây tiếp tục là một con tính khiến ông đau đầu.

Xong bài toán tâm lý, bài toán nhân sự sẽ là bài toán về cách tổ chức lối chơi. Trận đấu với Indo cho thấy sơ đồ 4-1-4-1 rồi 4-4-1-1 (lúc Duy Mạnh ra sân) với những pha ban bật trong đoạn ngắn đã bị đối phương bắt bài. Indo dùng một hàng thủ hai tầng và không ngại đá mạnh, đá rát khiến lối chơi này không thể diễn ra nhuần nhuyễn. Chiều nay, nếu U.22 Thái Lan cũng đá như vậy thì sao? Liệu HLV Hữu Thắng có tính đến những đường binh mang tính đột biến nào hơn không? Với những lợi thế về chỉ số phụ, chiều nay chỉ cần hoà chúng ta chắc chắn vào bán kết, nhưng trong những trận đấu một mất một còn như thế này, đá với tư tưởng thủ hoà là cực kỳ mạo hiểm.

Ở phía ngược lại, U.22 Thái Lan phải thắng mới chắc chắn đi tiếp (trong trường hợp hoà, họ chỉ đi tiếp nếu Indonesia chỉ thắng cách biệt Campuchia 1 bàn), nhưng có lẽ cũng không vì thế mà Thái Lan vội vã dâng cao đội hình. Một phần vì họ hiểu U.22 Việt Nam chỉ sợ đối phương đá thủ, chứ không sợ đá công, và phần quan trọng khác, lứa cầu thủ này của Thái không có sức công phá lớn như lứa cầu thủ vô địch SEA Games 2 năm về trước. Rất có thể, Thái Lan sẽ học cách phòng ngự rát chân của Indo để phá lối chơi kỹ thuật của chúng ta. Và khi trận đấu chỉ còn khoảng 15- 20 phút, thể lực của cầu thủ chúng ta đã xuống thì họ sẽ dồn quân lên vung đòn quyết định.

Đúng là lứa cầu thủ này của Thái nhạt hơn và thiếu sáng tạo hơn so với lứa cầu thủ trước đây, nhưng sau 3 trận đấu không khó thấy phong độ của họ đang tiến dần đều. Xét ở phương diện tâm lý, khi bị đẩy vào thế "cửa tử" bắt buộc phải thắng để chắc chân đi tiếp, đội bóng này cũng sẽ mạnh hơn so với chính bản thân mình. Thế nên trận đấu sẽ rất khó đoán và cơ hội chiến thắng cho hai đội là 50 - 50.

Mong là HLV Nguyễn Hữu Thắng đủ sự tĩnh tâm để "điều binh" trong 90 phút có ý nghĩa tối quan trọng tới sự thành - bại của U.22 Việt Nam tại kỳ SEA Games mà chúng ta đặt mục tiêu phải có huy chương vàng!