Liên tiếp trắng tay
Những cầu thủ được coi là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam khi được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo đã ở “bên kia sườn dốc”, điều này đòi hỏi cần có lứa cầu thủ kế cận. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam đang đứng nỗi lo sau hàng loạt thất bại ở các giải đấu trẻ như U16 và U19 tại các giải đấu trong khu vực Đông Nam Á.
U19 Việt Nam bước vào giải U19 Đông Nam Á 2024 với mục tiêu vượt qua vòng bảng và hướng tới những chiến thắng tiếp theo. U19 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Hứa Hiển Vinh nhưng bị loại trước khi bước vào trận đấu cuối của vòng bảng.
Trận hòa trước U19 Myanmar và U19 Australia là nguyên nhân khiến U19 Việt Nam bị loại dù có giành chiến thắng trước U19 Lào ở lượt đấu cuối cùng. Nhìn lại giải đấu trong vòng 8 năm qua, U19 Việt Nam bị loại từ vòng bảng đến 4 lần vào các năm 2017, 2018, 2019 và 2024 khi giải mới tổ chức 5 lần. Đây là một kết quả đáng báo động cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
Nếu so sánh thành tích của đội U19 Việt Nam hiện tại với thành công của đội U19 Việt Nam thế hệ của những cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vào giai đoạn 2013 - 2014 và cũng như lứa U19 của Quang Hải, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng giai đoạn 2016 - 2017 lại càng đáng buồn hơn. Trong số những cầu thủ U19 Việt Nam tham dự giải đấu vừa qua, không cầu thủ nào gây ấn tượng đặc biệt, được người hâm mộ nhớ tên.
Nếu như U19 Việt Nam bị loại cay đắng ngay từ vòng bảng thì U16 Việt Nam cũng để lại nỗi buồn cho người hâm mộ. Tại giải U16 Đông Nam Á được tổ chức đầu thàng 7, U16 Việt Nam vượt qua vòng bảng nhưng không thể tạo nên bất ngờ và chỉ giành vé chơi trận tranh hạng ba. Tuy nhiên, U16 Việt Nam để thua 0-5 trước U16 Indonesia và ra về “tay trắng”.
Trận thua này cho thấy màn “tụt dốc không phanh” của bóng đá Việt Nam ở các cấp đội trẻ. Trước đó, bóng đá trẻ Việt Nam từng 3 lần vô địch Giải U16 Đông Nam Á 2006, 2010 và 2017. Ngoài ra, 2 lần giành vị trí Á quân vào năm 2016 và 2022, một lần hạng 3 năm 2007.
Nỗi lo lực lượng kế cận của bóng đá Việt Nam
Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, các đội trẻ U19 và U16 Việt Nam cũng không có thành tích quá nổi bật. Riêng ở giải U16 Đông Nam Á năm 2022, U16 Việt Nam thua Indonesia trong trận chung kết với tỷ số 0-1. Còn ở giải U19 Đông Nam Á năm 2022, U19 Việt Nam bị loại ở bán kết.
Trải qua 2 kỳ liên tục không có danh hiệu ở các giải trẻ trong khu vực, người hâm mộ đặt sự hoài nghi về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam và chất lượng các cầu thủ trẻ ở những lò đào tạo trong nước.
Câu chuyện về đào tạo trẻ không còn mới đối với bóng đá Việt Nam, thực tế chỉ số ít CLB có hệ thống đào tạo trẻ tốt. Thậm chí, một số lò đào tạo không còn duy trì, một số lò đào tạo bóng đá trẻ trong nước có dấu hiệu bão hòa trong thời gian gần đây, điển hình như lò HAGL JMG, sau lứa cầu thủ khoá đầu là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương. Thậm chí, những lò đào tạo tên tuổi như SLNA hay đầu tư tốt như PVF cũng đang chững lại, khiến nguồn cầu thủ đang bị hao hụt.
Sau thành công của một lứa cầu thủ từ năm 2018 với chiến tích Á quân U23 châu Á, bóng đá Việt Nam tưởng rằng mình là số 1 Đông Nam Á trong công tác đào tạo trẻ. Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp gần đây của các giải trẻ khiến nền bóng đá Việt Nam trở lại với thực tại.
Trong khi đó, các cầu thủ trẻ cũng không được thi đấu nhiều ở các CLB chuyên nghiệp là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến việc phát triển chuyên môn. Ở các giải đấu vừa qua, các cầu thủ U19 Việt Nam không thể hiện được quá nhiều năng lực, thậm chí còn bộc lộ sự non nớt về kinh nghiệm và yếu trong kỹ năng xử lý bóng.
Trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đang thua Indonesia từ U16, U23 đến đội tuyển quốc gia. Thậm chí, bóng đá Việt Nam đang thiếu đi nhiều yếu tố cơ bản để hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài như những sân bãi không đủ tiêu chuẩn... Nhiều ý kiến cho rằng, cần trao cơ hội thi đấu nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ, thay vì lựa chọn ngoại binh đang “làm tất ăn cả” ở các đội bóng như hiện nay.