Bóng đá và đòn bẩy thương hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam chưa thể sống được bằng các hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, nó vẫn sống tốt bởi đang là kênh quảng bá thương hiệu cho các DN đứng sau đội bóng.

Bầu Trường nhớ bóng đá

Chỉ vài tháng sau khi khai tử đội bóng Vissai Ninh Bình, ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã bắn tin để được tham dự trở lại sân chơi chuyên nghiệp. Là một ông bầu cá tính, ưa hình thức và danh tiếng, bầu Trường không dễ chấp nhận việc bản thân không còn trở thành “từ khóa” tìm kiếm của dư luận. Người ta thấy ông bầu này tính đến phương án mua đội bóng ở nước ngoài. Nhưng rồi, sau rất nhiều cân nhắc, ông cho thành lập đội U19 và đề nghị VFF cho trở lại với sân chơi V.League mùa tới.
Bóng đá và đòn bẩy thương hiệu - Ảnh 1
Đề nghị của bầu Trường khiến VFF khó nghĩ. Bởi lẽ, khi doanh nhân này tuyên chiến với tiêu cực, ông đã nhận được lời cam kết giữ suất chuyên nghiệp từ VFF. Thế nhưng, nếu thực hiện cam kết này, VFF sẽ vấp phải sự phản đối của các đội bóng bởi khi ấy, mọi quy định hiện hành sẽ phải sửa đổi để mở đường cho Ninh Bình trở lại. Tất nhiên, VFF không muốn mất lòng với các đội bóng để thực hiện cam kết với bầu Trường.

Từ câu chuyện của bầu Trường mới thấy, bóng đá có vai trò vô cùng to lớn với các DN và những người đứng đầu. Nói đâu xa, trước nay, bầu Trường và DN Vissai của ông nổi như cồn nhờ hoạt động đầu tư cho bóng đá. Họ không mất một xu nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng giờ, sau quyết định rút lui khỏi bóng đá, bầu Trường hầu như biến mất trên truyền thông. Và không chỉ có bầu Trường, thương hiệu cá nhân của nhiều doanh nhân khác cũng bị mai một sau khi rút lui khỏi bóng đá. Mà với các doanh nhân, thương hiệu chính là tiền, là sự ghi nhận với thành công của bóng đá.

FLC Thanh Hóa đi theo đường bầu Đức

Mới đây nhất, FLC Thanh Hóa đã phát tín hiệu cho thấy, họ sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính nhằm tạo dựng thương hiệu cho đội bóng, DN và cá nhân các ông bầu. Đối tượng mà họ hướng tới là các ngôi sao hàng đầu V.League cũng như các cầu thủ có liên quan đến bóng đá Việt Nam. Điển hình là cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn (ảnh) đang được mời về Việt Nam với mức phí chuyển nhượng và lương bổng cao nhất. FLC Thanh Hóa muốn thông qua hoạt động mua bán khẳng định tiềm năng tài chính và tham vọng vươn cao của mình.

Tất nhiên, trước những động thái mạnh mẽ của các ông chủ của Tập đoàn FLC, người ta nhận định rằng, họ đang đi theo con đường của bầu Đức. Rằng, mỗi năm HAGL phải đưa ra một sự kiện lớn liên quan đến bóng đá nhằm đánh bóng thương hiệu DN. Từ chuyện mua Kiatisak đến mời gọi Lee Nguyễn rồi đưa cả dàn sao trẻ lên V.League, bầu Đức đều thể hiện những tính toán về mặt thương hiệu.

Với cách đi của FLC Thanh Hóa, nhiều người cho rằng họ đang cố tình đánh bóng thương hiệu. Thế nhưng, nếu hiểu về kinh doanh thì thấy, chi một vài tỷ đồng cho một ngôi sao cỡ như Lee Nguyễn trong thời gian ngắn không phải là vấn đề quá lớn với các tập đoàn kinh tế. Nó không chỉ thể hiện việc, các ông bầu lắm tiền nhiều của mà thông qua sự kiện này, DN sẽ quảng bá được tiềm lực và những cam kết của mình. Ngược lại, nếu có được những ngôi sao, các DN, đội bóng của họ sẽ thu về bội phần ích lợi. Từ bán vé đến danh tiếng của ông bầu sẽ tăng lên và nếu tính vào chi phí quảng cáo, nó không lớn mà hiệu quả lại rất cao.

Vậy mới nói, bóng đá Việt không phải là chỗ tiêu tiền mà nếu tính toán một cách hợp lý, tiêu tiền cũng là cách để các doanh nhân thực hiện tham vọng kinh doanh của mình.