Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt Nam cần thuốc đặc trị bệnh bán độ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ vấn đề tiêu cực lại được báo chí, người hâm mộ Việt Nam quan tâm như lúc này. Vẫn biết bóng đá Việt Nam đã xuống tới “đáy” và đánh mất niềm tin, nhưng những vụ bán độ cứ liên tiếp xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của một nền bóng đá.

Theo một thành viên BTC giải, trước mỗi vòng đấu, BTC giải sẽ chọn ra những trận nghi “có mùi”, cử trọng tài giỏi và người xuống giám sát. Đặc biệt, VPF sẽ tiếp tục mời an ninh song hành ở đoạn cuối V.League.

 Loại bỏ những cầu thủ dính tiêu cực là công việc đầu tiên phải làm của bóng đá VN.

Về phía cơ quan công an, không chỉ có CLB Đồng Nai, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) còn đang mở rộng cuộc điều tra với nhiều đội bóng khác tại V.League. C45 thống nhất quan điểm với VFF là cần phải làm sạch bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển được.
Bóng đá Việt Nam cần thuốc đặc trị bệnh bán độ - Ảnh 1
VFF cũng đang chuẩn bị sẵn những án phạt, cụ thể là cấm thi đấu vĩnh viễn với các cầu thủ tham gia bán độ. Đó được xem là hình phạt nặng nhất trong thẩm quyền của VFF.

Liên tiếp 2 vụ bán độ tại CLB V.Ninh Bình và Đồng Nai đã khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên rất xấu. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, quan điểm của VFF là đấu tranh đến cùng để loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, phi thể thao ra khỏi đời sống bóng đá.

“Tôi nghĩ rằng môi trường bóng đá không xấu. Cái quan trọng nhất là nhận thức của những người tham gia hoạt động bóng đá. Một số cầu thủ do nhận thức về bản thân, về nghề nghiệp chưa nghiêm túc nên đã có những giây phút không kiểm soát được bản thân trước những tác động xấu, đã phải đánh đổi sự nghiệp của mình. Ngoài việc cần phải xử lý mạnh tay với những cầu thủ này, thì cuộc chiến chống tiêu cực cần có nhiều thời gian và đặc biệt là cần có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có cả báo chí, giúp phát hiện, tuyên truyền, giáo dục các em vê việc tập luyện, nhận thức về xã hội, nghề nghiệp nghiêm túc và đầy đủ hơn”, ông Tuấn nói.

Biện pháp trước mắt là vậy, còn về lâu về dài, để tạo nên một nền bóng đá trong sạch, ông Tuấn cho rằng bóng đá Việt Nam nên học cách làm của những nền bóng đá phát triển trên thế giới, châu lục, cụ thể là Nhật Bản.

“Tôi đã từng nhiều lần sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá của nước bạn. Tại Nhật Bản, vấn đề giáo dục văn hoá, đạo đức song song với đào tạo về chuyên môn luôn được làm rất tốt. Thậm chí văn hóa cầu thủ còn được quan tâm số 1, bởi một cầu thủ tài năng nhưng không có đức thì khó có thể trở thành cầu thủ lớn. 

Trong thời gian tới, VFF sẽ tiếp tục đề ra những định hướng trong công tác phòng chống tiêu cực, những định hướng trong tổ chức và điều hành các giải chuyên nghiệp. Đặc biệt, công tác giáo dục cầu thủ trẻ cần được chú ý hơn nữa. Chúng ta cần học tập Học viện HAGL đang làm với lứa U19. Tất cả không chỉ có chuyên môn cao, mà hầu hết đều học Đại học. Chống tiêu cực thì phải bắt đầu từ cái gốc, từ bản chất, nên mới cần nhiều thời gian”, ông Tuấn nhấn mạnh.