Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt: Niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ

Văn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 20 năm sau cột mốc lịch sử U16 Việt Nam tạo cơn địa chấn tại đấu trường châu lục, vừa qua, đến lượt U23 Việt Nam làm hàng triệu người hâm mộ (NHM) cả nước sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Khác với lứa cầu thủ năm xưa, giờ đây, NHM Việt Nam có quyền đặt niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đức Chinh…

 Các cầu thủ U23 Việt Nam.
Sớm nở chóng tàn
Khi nói về bóng đá trẻ Việt Nam, giới chuyên môn cũng như NHM không thể không nhắc đến lứa Văn Quyến, Lâm Tấn, Ánh Cường, Như Thuật, Quang Tuấn đã cùng U16 Việt Nam tạo nên giải đấu chấn động châu lục vào năm 2000. Ngày đó, sau khi những bàn thắng tuyệt đẹp làm dậy sóng sân Chi Lăng, Văn Quyến đã trở thành thỏi nam châm của truyền thông cũng như lòng mến mộ của đông đảo NHM.
Ngày đó, những ngôi sao mới nổi của bóng đá Việt Nam chẳng khác nào người hùng, đi đến đâu cũng tạo nên sức lan tỏa và nói không ngoa, nhiều khi khán giả đến sân ở V.League chỉ để xem Quyến, Thuật, Cường chơi bóng là chính. Ánh hào quang đến quá sớm và lứa cầu thủ tài năng ngày nào sau đó cứ lụi tàn dần. Thậm chí, ngoài nhiều cầu thủ không thể có được sự phát triển theo con đường chuyên nghiệp, nhiều “nhân vật” cũng vướng vào vòng lao lý. Đặc biệt, với trường hợp Văn Quyến đã gây nên sự nuối tiếc lớn cho bóng đá nước nhà bởi những bê bối bên ngoài sân cỏ đã “giết chết” tài năng của anh.

Để đến sau này, khi Công Vinh nổi lên, nhiều người vẫn hay chép miệng: “Nếu Quyến không bị khởi tố thì còn lâu Vinh mới có cửa lên đời”. Không phải bàn cãi về tài năng, về cái cổ chân phải ma thuật của anh đã khiến biết bao thủ môn trở thành gã hề bất đắc dĩ nhưng điều còn thiếu của Quyến đấy là tính cách, sự chỉn chu và ý thức miễn nhiễm với những tệ nạn xã hội.
Sau cú sốc 2005 tại Philippines, Quyến bị khởi tố rồi gián đoạn sự nghiệp để đến khi trở lại anh đã không còn sự sung sức và những pha bóng ma thuật từ cái cổ chân phải của mình nữa. Không chỉ có Quyến mà hàng loạt những tài năng khác như Phước Vĩnh, Quốc Vượng… cũng bị thui chột tài năng bởi sự thiếu định hướng về lối sống cũng như mối quan hệ quá phức tạp bên lề sân cỏ đã cướp đi khối tài nguyên quý giá của bóng đá nước nhà.

Lịch sử khó lặp lại

Ngày còn ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Calisto đã khẳng định chắc nịch: “Bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng nhiều người đã bị chi phối quá nhiều từ các mối quan hệ phức tạp bên ngoài sân cỏ khiến đội tuyển gặp khó về triệu tập cầu thủ giỏi”. Thực tế, thời nào cũng thế, các đội tuyển quốc tế không hề thiếu các tài năng thuộc dạng thiên bẩm, đủ sức xoay chuyển thế trận nhưng cứ khi nổi tiếng, nhiều người đánh mất mình và chìm sâu dần vào quên lãng. Bây giờ, khi U23 Việt Nam đang tạo nên cơn sốt cực lớn cho NHM thì nhiều người lại lo lắng, liệu lứa Quang Hải, Xuân Trường… có đi vào vết xe đổ lịch sử của các đàn anh?

Phải nói rằng, trong 5 năm trở lại đây, các trung tâm đào tạo bóng đá Việt Nam rất chú trọng vấn đề xây dựng tính cách, định hình lối sống cho cầu thủ. Hãy nhìn cách Hoàng Anh Gia Lai dạy cầu thủ về lối sống, văn hoá rồi mới đến cách chơi bóng đã thắp lên hi vọng về sự đổi thay cho cầu thủ.
Hay như lứa Duy Mạnh, Quang Hải, Đức Chinh, Tiến Dũng…cũng được đánh giá là khá ngoan, biết ứng xử trước sự nổi tiếng và quan trọng hơn họ được ăn tập trong môi trường không có sự chi phối bởi “xã hội đen” đã tái khẳng định cho niềm hi vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ không bị “mất người” vì tệ nạn xã hội.
Sau rất nhiều bài học nhãn tiền về các đàn anh vướng vòng lao lý vì liên quan đến các vấn đề mặt trái xã hội, có lẽ các cầu thủ trẻ hiện nay cũng đủ hiểu giá trị của câu nói: “Chơi dao dễ có ngày đứt tay” để biết trân trọng và giữ gìn cho mình cái nghề, dù họ đang sống trong đỉnh hào quang!