Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bóng đá Việt tìm cú hích mới

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 tháng tạm hoãn do dịch Covid-19, môn thể thao vua của Việt Nam chính thức trở lại vào cuối tuần qua, với các trận đấu tại vòng loại Cúp Quốc gia 2020. Đây là bước đệm cho những mục tiêu dài hơi sắp tới của bóng đá Việt Nam trong năm 2020.

Dấu ấn từ sân Thiên Trường

Tâm điểm đánh dấu sự trở lại là trận đấu giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Từ cầu thủ cho đến người hâm mộ đều nhớ sân cỏ. Chính vì vậy, không khí trước trận đấu trở nên nóng hơn bao giờ hết. Hình ảnh người dân xếp hàng dưới nắng nóng 40oC để mua vé vào sân hay việc người hâm mộ tổ chức diễu hành quanh TP Nam Định từ 9 giờ và xếp hàng từ 15 giờ để vào sân (dù trận đấu 18 giờ mới diễn ra), khiến truyền thông nước ngoài bày tỏ ngưỡng mộ với tình yêu bóng đá của cổ động viên Việt.

Sau trận đấu tại sân Thiên Trường, nhiều cặp đấu khác như Sài Gòn FC gặp Bà Rịa Vũng Tàu, Sông Lam Nghệ An gặp Bình Định, Phố Hiến FC gặp Thanh Hóa... cũng đã diễn ra. Hầu hết các sân đều mở cửa đón khán giả. Việc bóng đá trở lại đúng với quỹ đạo của nó là chưa thể, nhưng với những gì diễn ra tại sân Thiên Trường hay các sân vận động khác sẽ là cú hích cho bóng đá Việt Nam hậu Covid-19.
Chờ đợi V-League 2020 bùng nổ
Theo kế hoạch, các trận đấu của V-League 2020 sẽ tái khởi tranh vòng 3 vào ngày 5/6. VFF và BTC giải đã có quyết định về việc thay đổi phương thức thi đấu, thời gian dự kiến diễn ra từ ngày 5/6 - 25/10, gồm 134 trận đấu với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 13 vòng (thực tế 11 vì đã đá 2 vòng) với 91 trận đấu, dự kiến diễn ra đến 2/8. Dựa vào kết quả, các đội bóng sẽ xếp thứ hạng chia làm 2 nhóm để thi đấu giai đoạn 2. Với nhóm A gồm các đội đứng thứ 1 - 8 và nhóm B gồm các đội từ thứ hạng 9 - 14.
 Cổ động viên phủ kín sân Thiên Trường, trong trận Nam Định gặp HAGL tại vòng loại Cúp Quốc gia. Ảnh: Ngọc Tú
Ở giai đoạn 2, nhóm A sẽ thi đấu 7 vòng xác định đội vô địch, á quân và hạng Ba. Nhóm B thi đấu 5 lượt trận, xác định 1 suất xuống hạng. Trong giai đoạn 1, 14 đội bóng sẽ thi đấu theo lịch đã ban hành từ đầu mùa giải. Bước sang giai đoạn 2, khi 8 đội đầu bảng và 6 đội cuối bảng chia làm 2 nhóm, lúc này cách xếp trận sân nhà, sân khách mới sẽ được áp dụng. 4 đội đứng đầu nhóm A và 3 đội đứng đầu nhóm B sẽ được ưu tiên đá lần lượt 4/7 và 3/5 trận sân nhà.
Các đội xếp vị trí thấp hơn ở giai đoạn 1 sẽ đá ít trận sân nhà hơn. V-League 2020 sẽ không có danh hiệu Vua phá lưới. Theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, cách thức này ngoài mục đích phân lịch thi đấu còn nhằm giảm thiểu việc các đội bóng hoàn thành mục tiêu sớm và buông lỏng các trận đấu cuối giai đoạn.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố an toàn phòng, chống dịch bệnh thì chuyên môn là điều mà các đội bóng khá lo ngại. Nếu như trận đấu giữa Nam Định và HAGL cho thấy bộ mặt khác hoàn toàn của đội bóng phố Núi so với trước đó thì trận đấu giữa Sài Gòn và Bà Rịa Vũng Tàu lại thể hiện nhiều điều đáng lo ngại. Bỏ qua việc buông giải đấu, nhiều nhận định cho rằng việc một đội bóng tại V-League thi đấu dưới sức và để thua đội bóng hạng Nhất là điều khó chấp nhận. Dẫu biết trong bóng đá khó nói trước điều gì nhưng đó là biểu hiện của việc các đội bóng chưa vào guồng, đánh mất điểm rơi phong độ sau chuỗi ngày tập chay.
Việc bóng đá Việt Nam trở lại sớm sẽ giúp các cầu thủ tìm lại cảm giác, phong độ và xa hơn là giúp HLV Park Hang-seo có thể chạy đà dần cho những kế hoạch dài hơi sắp tới của ĐT Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nhưng qua các trận đấu của Cúp Quốc gia đặt ra những thách thức cho BTC giải cũng như các đội bóng, cầu thủ.
Những trận đấu khởi đầu tại Cúp Quốc gia vừa qua đã diễn ra tốt đẹp nhưng vẫn còn đó mối lo trong việc phòng chống dịch Covid-19 và bên cạnh đó là chuyên môn từ các đội bóng, cầu thủ. Việc hạn chế lượng khán giả, thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch là điều bắt buộc phải làm, còn lại là ý thức của mỗi người để mang lại thành quả cho hành trình mới của bóng đá Việt Nam.