Bóng đá Việt và nỗi ám ảnh về đoạn kết "không có hậu"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc mỗi cuộc chơi cũng là thời điểm làng bóng đá tiến hành đong đếm lại những...

Kinhtedothi - Kết thúc mỗi cuộc chơi cũng là thời điểm làng bóng đá tiến hành đong đếm lại những điều được, mất. Đó cũng là thời điểm người ta xác định xem ai đi, ai ở. Và, có rất nhiều điều đáng để nói liên quan đến cách mà các đội bóng kết thúc “mối lương duyên” với những người từng được coi là “công thần”.

Khóc cho người đi

Mới đây, người yêu bóng đá Hải Phòng đã khiến dư luận ngạc nhiên về màn chia tay với vị huấn luyện viên (HLV) đã đưa đội bóng của họ lên ngôi vô địch Cúp Quốc gia, ông Dylan Kerr. Đầu tiên, họ tổ chức tiệc chia tay ngay tại khuôn viên sân Lạch Tray. Một ngày sau đó, cả trăm CĐV đã kéo đến sân bay Cát Bi để tiễn chân nhà cầm quân người Anh.

Đáng nói ở chỗ, những người tổ chức cuộc chia ly với “công thần” Dylan Kerr không phải là ban lãnh đạo đội bóng đất Cảng mà chính là Hội Cổ động viên bóng đá Hải Phòng. Một “mạnh thường quân” đã bỏ tiền chi cho bữa tiệc tiễn chân ông Dylan Kerr. Một nhóm khác đã động viên bạn hữu đến sân bay chia tay vị HLV giúp bóng đá Hải Phòng thoát khỏi cảnh 19 năm không có danh hiệu.

 
Bóng đá Việt và nỗi ám ảnh về đoạn kết "không có hậu" - Ảnh 1
Đến và đi là điều hết sức bình thường trong bóng đá. Ngay cả việc giúp Hải Phòng vô địch thì ông Dylan Kerr vẫn có thể mất việc như thường. Bởi, nói cho cùng, bóng đá Việt Nam khác hẳn những môi trường chuyên nghiệp. Nó bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, rất nhiều mối quan hệ chằng chịt. Tất nhiên, đằng sau những mối quan hệ đó là quyền lực, là lợi ích mà những người nước ngoài như Dylan Kerr không thể hiểu được. 

Chỉ có điều, Dylan Kerr và bản thân những người yêu bóng đá Hải Phòng không khỏi chạnh lòng với cách mà ban lãnh đạo đội kết thúc “mối lương duyên”. Không có tiệc chia tay, chẳng có màn đưa tiễn với một người có công lớn cho đội bóng. Thậm chí, ngay cả tuyên bố hùng hồn của ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng là “tôi còn tại chức, Dylan Kerr còn ở lại đội bóng” cũng sớm bay theo gió.

Khi lính đánh thuê “thuộc bài”

Gần kết thúc mùa bóng cũng là lúc người ta phải tất toán với nhau về tài chính. Cầu thủ muốn được thanh toán lương, thưởng, tiền lót tay trước khi về nước. Thậm chí, họ sẵn sàng làm mình, làm mẩy để đội bóng phải thanh toán tiền bạc trước khi mùa bóng khép lại. Một khi đội bóng không đáp ứng yêu cầu này, kiêu binh tất sẽ xuất hiện.

Sở dĩ cầu thủ ngoại vốn rất chuyên nghiệp bây giờ lại thích mè nheo về tài chính là do nhiều đội bóng ở Việt Nam chơi không đẹp. Thường thì ngay sau khi mùa giải kết thúc, các cầu thủ ngoại sẽ về nước. Đáng nói ở chỗ, một thời gian sau các đội bóng Việt Nam mới tiến hành tổng kết, chia thưởng. Thế mới có chuyện, một số cầu thủ vốn không được tái kí hợp đồng, lại không có điều kiện trở lại Việt Nam đương nhiên sẽ mất quyền lợi. Thêm nữa, có những đội bóng chơi “tiểu xảo” khi cố tình “om tiền” của cầu thủ ngoại để không phải hoàn thành nghĩa vụ về tài chính của mình.

“Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ mãi”, cầu thủ ngoại người trước mách người sau bằng mọi giá phải đòi hỏi quyền lợi trước khi mùa giải khép lại. Họ không muốn đánh mất quyền lợi chính đáng của mình trước những ông chủ vốn rất hay sử dụng “tiểu xảo”. Thế mới nói, sự phức tạp của làng bóng đá đôi khi xuất phát từ việc bóng đá Việt Nam vẫn chưa định hình được những mối quan hệ thật sự chuyên nghiệp. Ở đó, người lao động và bên sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết trong hợp đồng.