70 năm giải phóng Thủ đô

Bóng đá Việt và thứ tình yêu kỳ quặc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Man City đã đến và ra về. Thế nhưng, những lình xình xung quanh sự kiện này đang khiến dư luận nổi sóng.

Thậm chí, có những thông tin đã đi vượt khỏi biên giới Việt Nam khiến bạn bè quốc tế có cái nhìn méo mó về bóng đá Việt Nam, làm buồn lòng những nhà tổ chức.

Sự kiện Man City đã kết thúc nhưng đến tận thời điểm này, bầu Hiển vẫn bị truy về chuyện giá vé. Người ta nói rằng, bầu Hiển đã nghĩ đến lợi nhuận quá nhiều nên đưa ra giá vé cao khiến cho các khán đài vẫn còn một số chỗ trống. Thế nhưng, bầu Hiển biện giải, lẽ ra giá vé phải cao hơn và ông đã chấp nhận chịu lỗ cả chục tỉ đồng để mời Man City sang Việt Nam thi đấu. Bầu Hiển cũng khẳng định, vé xem những nghệ sĩ sân cỏ hàng đầu thế giới không phải quá đặt, thậm chí, nó còn thấp hơn nhiều chương trình ca nhạc. Vấn đề không phải là vé quá đắt mà cách tiếp nhận sự kiện của một bộ phận NHM là có vấn đề.

Cái vấn đề mà bầu Hiển nói ở đây chính là việc, một thời gian dài, bóng đá Việt Nam luôn sống với tư duy miễn phí. Thậm chí, hiện vẫn còn nhiều sân vận động mở cửa tự do cho khán giả vào sân. Một số đội bóng còn kéo khán giả đến sân bằng việc, trả công cổ vũ, lo tiền ăn ở, di chuyển khi thi đấu trên sân khách. Ngay cả những trận đấu ở ĐTQG thì những CĐV trung thành cũng thường xuyên đòi hỏi quyền lợi là được vào sân miễn phí. Họ còn kéo cả bạn bè, người quen vào khu VIP để kiếm thêm thu nhập.

Khi Man City đến Hà Nội, nhiều CĐV đã lên tiếng chỉ trích các ngôi sao Man City là lạnh lùng, không thân thiện. Có CĐV còn đốt luôn 10 chiếc vé vì tự ái với một vài ngôi sao Man City không chịu “chào” theo mong muốn của mình. Tìm hiểu thì được biết, CĐV này đã lao hẳn vào hành lang khách sạn, điều không được phép và yêu cầu một số cầu thủ Man City nói theo mình để quay... clip. Với bóng đá Việt, việc CĐV lao vào sân xin chữ ký, phỏng vấn cầu thủ là điều hết sức bình thường. Thậm chí, nếu thân thiết hơn, họ có thể kéo cầu thủ đi uống bia hơi vỉa hè. Nhưng với làng túc cầu thế giới thì khác, các ngôi sao được chăm sóc và bảo vệ một cách kĩ lưỡng bởi nó liên quan đến hình ảnh, thương quyền. Bầu Hiển kể rằng, bản thân ông đã bị đẩy ra khỏi phòng ăn của Man City khi muốn đưa một người thân đến xin chữ ký. Ông Hiển cho biết: “Với quan niệm lâu nay của mình, tiếp cận với cầu thủ là điều hết sức bình thường. Nhưng với họ, mọi việc đều đúng quy trình và có người sắp đặt chứ cầu thủ không được phép tiếp xúc với NHM hay báo chí”.

Man City lý tính. Họ không chấp nhận cái cách yêu kiểu kỳ quặc của một số NHM Việt Nam. Và thế là cái tiếng Man City lạnh lùng đã xuất hiện. Nhưng, nếu gần gũi đội bóng này thì biết, nếu không bị gây áp lực bởi đám đông nhốn nháo, phá vỡ mọi giới hạn về quản lý thì các ngôi sao Man City cũng hết sức thân thiện. Thậm chí, HLV Pellerini còn mặc cả quần sóc đi uống cà phê Giảng ở trung tâm Hà Nội.

Đằng sau sự ồn ào của thương vụ Man City là rất nhiều điều để nói. Đáng nói nhất chính là việc, cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh, sự thân thiện của bóng đá Việt Nam và nhiều điều lớn lao hơn đã bị ảnh hưởng bởi cái cách ứng xử vô cùng nghiệp dư của một bộ phận dư luận. Bên cạnh đó, nỗi buồn, áp lực mà các nhà tổ chức phải hứng chịu có thể khiến họ nản lòng và không còn hứng thú với việc mang những đội bóng lớn đến Việt Nam.