Vượt lên chính mình
Chị Quỳnh Nga là một người phụ nữ kém may mắn vì sinh ra đã bị tật ở chân. Tuy nhiên chị luôn nỗ lực vượt lên chính mình. Với quan niệm, chỉ có tri thức mới đem lại thành công cho tất cả mọi người, vì vậy chị đã nỗ lực học tập và thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau này khi đã là giáo viên đứng lớp môn mỹ thuật tại trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, chứng kiến những đứa trẻ thiếu may mắn, mỗi em mang trên mình một dị tật khác nhau, nhưng khi ra trường lại không có việc làm đã thôi thúc chị phải làm một việc gì đó để truyền cho các em nghị lực sống.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (thứ 3 từ phải sang) đang kiểm tra tại xưởng sản xuất than không khói. Ảnh: Phương Nga |
Tháng 1/2015, chị chính thức thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng. Để chứng minh người khuyết tật cũng có khả năng làm việc nếu biết khai thác đúng lợi thế, chị Nga đã lặn lội đến từng nhà học sinh thuyết phục họ cho con em vào HTX. Bên cạnh đó chị còn hỗ trợ các em tiền ăn, ở để các em có động lực tham gia. Thời gian đầu để có tiền trang trải ăn ở cho gần 30 học viên, ngoài đồng lương giáo viên ít ỏi, chị phải đi bán hàng nước và nhận đi dạy thêm. “Bản thân các em là những người khuyết tật, vì vậy việc đào tạo nghề rất khó khăn, cần phải kiên trì, cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên tôi chưa khi nào chùn bước” – chị Nga bộc bạch. Để có đầu ra thuận lợi, HTX đã tham gia tất cả các hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là cách giúp HTX tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng và có cơ hội quảng cáo sản phẩm miễn phí. Cùng với đó, HTX cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online. Chị cũng đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được thiết kế, làm tinh xảo. Sản phẩm cũng đa dạng như khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, vòng đeo tay, dây đeo cổ…Không ngừng sáng tạoSau 5 năm đi vào hoạt động, hiện HTX đang hoạt động ở 6 lĩnh vực như làm thủ công mỹ nghệ, in ấn, trồng nấm… Đây đều là những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của những người khuyết tật. Theo chị Nga, xã hội càng ngày càng phát triển nên HTX cũng không thể đứng im một chỗ. Vì vậy, chị luôn tìm hiểu và đưa những công nghệ mới vào sản xuất. Mới đây nhất, HTX đã sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm than không khói. Chị Nga cho biết, ý tưởng sản xuất than không khói đến từ chính thực tế sản xuất của HTX. Do HTX làm thủ công mỹ nghệ, nên hàng ngày thải ra hàng tấn rác thải từ gỗ, ảnh hưởng đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, chị đã cùng các thành viên HTX tìm hiểu và mày mò học hỏi kỹ thuật sản xuất than không khói từ phụ phẩm nông, lâm sản. Sau nhiều lần thử nghiệm, vứt bỏ hàng tấn sản phẩm không đạt yêu cầu. Tháng 4/2020, HTX chính thức đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện mỗi ngày HTX sản xuất ra 2 – 4 tấn than. Sản phẩm than không khói hiện được khách hàng đánh giá rất cao, giải quyết được nhiều vấn đề từ rác thải sản xuất, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dùng.Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, chị Nga cho biết, HTX có mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về quỹ đất sản xuất. Khi đã có quỹ đất, HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng công suất sản xuất than không khói gấp 3 lần thời điểm hiện tại. Hiện HTX đang tạo công ăn việc làm cho 38 công nhân toàn thời gian và 47 công nhân thời vụ. Trong đó 87% công nhân là người khuyết tật. với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân của HTX là 1 tỷ đồng/tháng.
Với việc làm ý nghĩa của mình, chị Nga đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như giải Sáng kiến kinh nghiệm cấp TP; Gương người tốt, việc tốt TP năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP năm 2018; Gương điển hình tiên tiến TP năm 2018. Mới đây nhất, sản phẩm than không khói của HTX được tôn vinh là 1 trong 10 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu trong “Ngày hội phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo – kết nối thành công”. |