"Bông hồng vàng" trên đất Ba Đảm đang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là nơi khởi nguồn của phong trào "Ba đảm đang" trong kháng chiến, những người "gái đảm" trên quê hương Đan Phượng (Hà Nội) đang ngày đêm phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng nông thôn mới.

"Bông hồng vàng"  trên đất Ba Đảm đang - Ảnh 1
 
Chị Nguyễn Thị Hạnh - PGĐ Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh. Ảnh: Trần Thảo

Ước mơ vươn lên thoát cảnh sống đói nghèo và quyết tâm làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình, luôn nung nấu trong lòng chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Dựa vào lợi thế của địa phương là nằm bên bờ sông Hồng, rất thuận tiện cho việc chuyên chở và mua bán các hàng hoá lâm sản nên chị đã bàn với chồng vay tiền hùn vốn lập xưởng chế biến gỗ. Công việc phát triển một cách thuận lợi. Chỉ trong một thời gian ngắn, vợ chồng chị đã trả được hết số nợ ban đầu và bắt tích luỹ vốn. Thấy kinh doanh chế biến lâm sản có hiệu quả, mọi người trong xã đua nhau làm theo và từ đó, hàng loạt xưởng chế biến gỗ trên vùng đất Liên Trung ra đời.

Lúc này, vợ chồng chị Hạnh đã tích luỹ được một số vốn, chị lại bàn với chồng mua sắm phương tiện chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường bộ và sau đó cả đường thuỷ. Năm 1996, vợ chồng chị thành lập công ty vận tải. Đến năm 2004 do tính chất của công việc kinh doanh đa ngành, anh chị quyết định thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh, chị làm Phó giám đốc.

Sau hơn 10 năm say mê và lăn lộn với công việc kinh doanh, đến nay doanh nghiệp của chị tham gia  sản xuất kinh doanh các lĩnh vực: Xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng, Vận tải hàng hoá đường bộ và đường thuỷ… Hoạt động của công ty luôn luôn phát triển, tạo ra việc làm ổn định cho gần 200 công nhân và hàng trăm lao động thời vụ khác với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng /người/tháng.

Phó giám đốc Nguyễn Thị Hạnh luôn hiện hữu một tấm lòng yêu thương đối với mọi người trong cuộc sống. Thấy công nhân đi lại đường xa vất vả, chị đã mạnh dạn đề xuất và bàn bạc với chồng, xây dựng nhà ở, nhà ăn cho công nhân. Hàng năm, công ty tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi tham quan các danh lam thắng cảnh của đất nước. Đến nay, công ty đã đóng BHYT và BHXH cho hầu hết anh chị em công nhân. Chính vì vậy, người lao động ngày càng gắn bó với công ty hơn.

Cùng với công việc kinh doanh, chị Hạnh rất  tích cực tham gia công tác xã hội. Chị là đại biểu HĐND huyện và xã, uỷ viên uỷ ban MTTQ huyện 2 khoá, phó chủ nhiệm CLB Nữ Doanh nghiệp…

Đã từng trải qua những năm gian khó nên chị Hạnh hay giúp đỡ những người nghèo, nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Năm 2010, bão lụt đổ vào miền Trung, công ty của chị đã tổ chức 4 xe tải lớn để chở hàng hoá trị giá hơn 1 tỷ đồng vào cứu trợ cho đồng bào vùng lũ.

Với những thành công trong kinh doanh và những thành tích đóng góp cho xã hội, chị Nguyễn Thị Hạnh liên tục nhận được những phần thưởng cao quý ở trong và ngoài nước như: Giải thưởng "Thương hiệu vàng Mê Kông", giải thưởng"Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng Asian", … Năm 2010, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tặng "Cúp bông Hồng vàng" lần thứ 2.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần