Với công trình BOT do các DN quản lý đều có thời hạn trong khi những cây cầu “BOT” ở đoạn sông Đáy mà chúng tôi đề cập này không hề có thời hạn. Điển hình là các cầu tạm ở xã Lam Điền, xã Hoàng Diệu (nối với các xã Cao Viên, Thanh Mai, huyện Thanh Oai), được xây dựng cách nay hàng chục năm, hiện đã cũ kỹ, ọp ẹp và gần như không có "hệ số an toàn", nhưng vẫn là những “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều hộ đứng ra nhận “thầu”.
Theo tìm hiểu của người dân, hàng năm những hộ trúng “thầu” đều phải đóng một khoản nhất định cho chính quyền địa phương. Do đó từ sáng sớm đến đêm khuya, những “chủ cầu” thường xuyên cho người túc trực để thu lệ phí. Mức phí qua cầu tạm được ấn định (với xe ô tô) là 10.000 đồng/ lượt, xe máy là 2.000 đồng/lượt. Mức phí không cao, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là thời hạn thu, bởi những cây cầu này (nếu tính về thời gian sử dụng, khấu hao) đã hết từ lâu.
Công bằng mà xét, những cây cầu tạm nói trên đã góp phần quan trọng, tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người dân ở những xã ven sông Đáy. Nhưng điều đáng ngại là sau một thời gian dài sử dụng, nay những cây cầu này đã xuống cấp; trong khi vào mùa mưa lũ, nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ khó lường.
Để bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân, đề nghị cấp có thẩm quyền rà soát lại chất lượng những cây cầu tạm nói trên. Sớm có phương án sửa chữa, bảo dưỡng khi chưa xây được cầu mới. Và hơn hết, chính quyền TP nên bổ sung quy hoạch, xây dựng thêm một số cầu qua sông Đáy để việc lưu thông của người dân được thuận tiện, bảo đảm.