Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bớt rườm rà để thực sự là Ngày hội đáng nhớ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2015 - 2016, học sinh (HS) cả nước sẽ khai giảng trong cùng một ngày (5/9). Đặc biệt, ngày khai giảng năm nay có nhiều đổi mới trên tinh thần vì HS, thực chất là một Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về mục tiêu năm học mới, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn Thủ đô đã hối hả chuẩn bị cho ngày khai trường nhiều đổi mới này.

Đảm bảo điều kiện cho năm học mới
Bớt rườm rà để thực sự là Ngày hội đáng nhớ - Ảnh 1
Ngành giáo dục Thủ đô đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón HS vào năm học mới, thưa ông?

- Năm học này, toàn TP có 2.585 trường học và cơ sở giáo dục với hơn 1.740.000 HS từ mầm non đến THPT, tăng 77.000 em so với năm học trước. Với số lượng HS đông đảo nhất, nhì cả nước, để chuẩn bị cho năm học mới, TP đã xây mới 64 trường học các cấp với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng, xây mới và cải tạo trên 2.000 phòng học…, tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cấp học là 574,831 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp với các công ty sách và thiết bị cung cấp được 5,5 triệu bản sách cho HS các cấp học.

Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức bồi dưỡng cho 14.900 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường trực thuộc Sở và giáo viên cốt cán của các trường thuộc quận, huyện, thị xã. Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục Thủ đô đã đảm bảo về số lượng, cơ cấu, được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới 2015 - 2016.

Tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học này đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và xã hội. Phụ huynh không còn phải xếp hàng qua đêm, không phải chen lấn, xô đẩy như đã từng xảy ra những năm học trước. Ông có thể nói rõ hơn các giải pháp để ổn định công tác này?

- Việc chen lấn, thức đêm xin học ở Hà Nội chỉ xảy ra cách đây 4 năm. Nhiều năm qua, TP và Sở đã quyết liệt chỉ đạo theo phương châm “4 rõ” (rõ chỉ tiêu, rõ tuyến, rõ thời gian và rõ trách nhiệm), vì thế công tác tuyển sinh đảm bảo ổn định, không gây bức xúc cho phụ huynh HS. Có thể nói, công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội đã đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng nguyện vọng học tập, hạn chế tình trạng quá tải trường học và không để xảy ra bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, việc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP nghiêm cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức, các trường trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt. Điều đó đã góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực cho HS và phụ huynh.
 
Các cháu trường mầm non Liễu Giai biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng năm học 2015 - 2016. 	Ảnh:  Nguyễn Anh Tuấn
Các cháu trường mầm non Liễu Giai biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng năm học 2015 - 2016. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Vài năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô giáo dục Thủ đô liên tục tăng, việc bảo đảm chỗ học có chất lượng cho HS các độ tuổi, nhất là tại những khu tái định cư, khu công nghiệp… được chúng tôi coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, ngay từ cuối tháng 5, kế hoạch tuyển sinh của tất cả các quận, huyện, thị xã đồng loạt được niêm yết công khai tại từng đơn vị và trên website của Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là năm thứ ba, kế hoạch tuyển sinh được Sở yêu cầu các quận, huyện và nhà trường công khai, cụ thể đến từng địa bàn dân cư với phương châm “4 rõ”, tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh khi đến làm thủ tục.

Tăng chất lượng - giảm khoảng cách

Dù đã nỗ lực đầu tư xây dựng trường, lớp, tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch rõ giữa trường ở nội và ngoại thành. Giải pháp nào được cho là then chốt để giảm sự chênh lệch vùng, miền, thưa ông?

- Bên cạnh đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo được Hà Nội xác định là nhiệm vụ then chốt quyết định chất lượng giáo dục. Bất kỳ giai đoạn nào, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Sau thời điểm Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, đội ngũ nhà giáo Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ với 116.000 người. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội đứng trước những thách thức không nhỏ nhằm khắc phục tình trạng yếu kém về chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các địa bàn. Hàng năm, Sở rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ. Chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

 
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tham quan nhà truyền thống của trường trước thềm năm học mới. Ảnh: Chiến Công
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tham quan nhà truyền thống của trường trước thềm năm học mới. Ảnh: Chiến Công
Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng luân chuyển cán bộ, giáo viên ở những trường có đầu vào cao, dân trí tốt, có trình độ nghiệp vụ cao về những vùng khó khăn để nâng cao phong trào giáo dục trong nhà trường, làm gương, nòng cốt xây dựng phong trào giáo dục ở những vùng, trường còn khó khăn. Có chính sách, hỗ trợ thích hợp cho giáo viên sau 2 năm luân chuyển, như đề bạt, tăng lương... Nhiều quận, huyện đã thực hiện rất tốt vấn đề này. Tuy nhiên, việc này không phải ngày một ngày hai, và thực tế, ngay cả việc thực hiện giữa nội - ngoại thành cũng chưa đồng đều. Vì vậy, cần phải có thời gian, nhưng mỗi năm đều làm và có phương pháp làm phù hợp, đó là trách nhiệm của ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Ngành giáo dục xác định tập trung vào 2 việc: Nâng cơ sở vật chất, bổ sung trường chuẩn quốc gia; Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng giáo viên hàng năm… Đây là việc làm để kéo dần khoảng cách giữa các trường, giảm sự chênh lệch vùng, miền.

Tất cả vì học sinh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội về khai giảng năm học mới với tinh thần tất cả vì HS, Sở đã hướng dẫn cụ thể cho các nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ này?

- Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội, để lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016 cho HS Thủ đô thực sự là Ngày hội, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo tới UBND, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn TP thống nhất triển khai tổ chức khai giảng cùng với HS cả nước vào buổi sáng thứ Bảy  (5/9). Thời gian tổ chức chính thức bắt đầu từ 7 giờ 30 – 8 giờ 30 với các nghi lễ trang trọng, ngắn gọn: Chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS nhân ngày khai trường. Sau đó, Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường; đón HS mới, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ... Chúng tôi yêu cầu các nhà trường tổ chức buổi lễ ngắn gọn, tập trung vào HS, tránh thủ tục rườm rà. Qua kiểm tra, đến nay, nhiều trường cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng với tinh thần tiết kiệm, gọn nhẹ, tạo sự thoải mái, vui vẻ cho HS.

Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng mà Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc trong dịp này là việc triển khai đồng phục cho HS. Theo đó, đồng phục HS phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi và văn hóa của địa phương, được Hội đồng nhà trường, cha mẹ HS đồng thuận. Các trường không bắt buộc HS phải mua đồng phục mới, mà chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng; không được phép để một HS nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học. Đối với công tác bảo hiểm thân thể, Sở thông báo rõ: Bảo hiểm thân thể là bảo hiểm mang tính chất tự nguyện, các nhà trường khi triển khai phải bảo đảm theo đúng quy định. Nhà trường tuyệt đối không được ép buộc, chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình HS phải tham gia. Trong tháng 9, chúng tôi sẽ lập 20 đoàn kiểm tra đột xuất về các nội dung trên và công tác thu – chi đầu năm học.

Tổ chức khai giảng cùng ngày, cùng giờ, Sở có biện pháp nào để đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc và tránh để HS đến dự khai giảng muộn, thưa ông?

- Ngoài công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường thực hiện khai giảng đúng, chúng tôi cũng đề nghị Công an TP, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp đảm bảo ATGT, ngăn ngừa UTGT cho HS, phụ huynh đưa con em đến trường thuận tiện. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị  Điện lực Hà Nội, Điện lực các địa phương cùng phối hợp, giúp đỡ, đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, với mục tiêu tất cả vì HS, đảm bảo cho ngày khai trường thực sự là một Ngày hội đáng nhớ cho các em, đặc biệt tạo ấn tượng đẹp cho HS lớp 1 trong sự háo hức, vui tươi của Ngày hội.

Xin cảm ơn ông!