Bớt thương mình để thương người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang trong mình căn bệnh ung thư hơn 5 năm nay, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Phan Thị Hiền Mai - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và Chi hội Chữ thập đỏ cụm dân cư số 10 phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội vẫn không ngừng tham gia các hoạt động xã hội.

Chị Phan Thị Hiền Mai trong chuyến đi trao quà ủng hộ cho đại diện
Chị Phan Thị Hiền Mai trong chuyến đi trao quà ủng hộ cho đại diện
10 năm qua, không thể đếm xuể có bao nhiêu Bằng khen, Giấy khen từ T.Ư, TP đến quận, phường… dành cho chị.

Vừa chạy xạ trị, vừa làm từ thiện

Bước vào căn nhà 4 tầng rộng chưa đầy 30m2 của gia đình chị Mai, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự đầm ấm yêu thương của 3 bếp nhà với 3 thế hệ đang sinh sống. Mặc dù chính trong căn nhà của mình, mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ít những khó khăn: Một người mẹ già yếu hơn 70 tuổi, một đứa cháu liệt não 18 tuổi mới nặng 17kg và chị Mai đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú, nhưng chưa ai dừng tham gia các hoạt động vận động, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Chị Mai vẫn nhớ, năm 2010, chị nhận “án tử” với tờ kết luận mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 3 của Bệnh viện K. Nhận kết quả trong một chiều hè oi bức, chị Mai chỉ biết gục đầu vào cô em gái nuôi mà khóc. Nằm khóc ròng mấy ngày liền, chị Mai tự nhủ, không thể khóc mãi mà cần phải gắng dậy sống tốt cho đến khi nào ông trời bắt mình nhắm mắt xuôi tay. Chị cũng tự an ủi: Sống có đức, sống vì người khác biết đâu số mình lại thọ dài. Với kinh nghiệm hoạt động Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ từ năm 2003, đặc biệt đang giữ vai trò là chi hội trưởng của 2 chi hội này trong cụm dân cư, chị Mai lại nhiệt tình gõ cửa từng nhà, từng đơn vị trên địa bàn, kêu gọi ủng hộ bà con vùng lũ, các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.

“Mùa hè năm 2011, tiết trời Thủ đô đón cái nóng đến gần 400C, vì xạ trị rụng hết tóc nên tôi phải cuốn khăn lên đầu đi đến từng nơi vận động và trao quà. Lúc đó, tôi không muốn mọi người biết mình mắc bệnh ung thư rồi tỏ ra thương cảm, vì thế nhiều người còn đùa nói tôi điên nên cuốn khăn giữa mùa hè” - chị Mai chia sẻ. Mặc dù trong chi hội có rất nhiều thành viên khác, tuy nhiên vì hoạt động phụ nữ, chữ thập đỏ chủ yếu mang tính vận động tự nguyện, nên chị Mai không yên tâm giao công việc nặng nhọc này cho người khác, do sợ không hiệu quả. Nếu như ở phường Điện Biên, trung bình các cụm dân cư vận động được 5 triệu đồng mỗi năm, thì trong năm 2013 và 2014, số tiền quyên góp của cụm dân cư số 10 lên tới hơn 30 triệu đồng/năm, tính riêng 7 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 36 triệu đồng.

Với quan niệm, mình nghèo nhưng nhiều người còn nghèo hơn, nên mặc dù gặp khó khăn, với mức thu nhập của một cán bộ nghỉ chế độ 141 từ năm 2003, mỗi năm chị Mai dành 6 triệu đồng tiết kiệm và chế độ dự họp tập huấn để ủng hộ người nghèo. Trong thời gian trị bệnh, chị đã tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu biến đổi khí hậu” và “Tìm hiểu Luật người khuyết tật”. Mỗi cuộc thi, chị lại giành giải Nhì, giải Ba và một khoản tiền thưởng. Toàn bộ số tiền thưởng này, chị góp lợn nhựa của Chi hội phụ nữ. Ngoài ra, chị còn vận động chị em mỗi ngày bỏ lợn nhựa Chi hội 2.000 đồng. Chính nhờ nguồn tiết kiệm này mà Chi hội phụ nữ, Chi hội Chữ thập đỏ cụm dân cư số 10 hàng năm có đến vài chục triệu đồng để hoạt động từ thiện, hỗ trợ tặng quà từ Trung tâm bảo trợ trẻ em và người tàn tật tại Ba Vì, cho đến các gia đình nghèo tại tỉnh Quảng Bình…

Bước vào tuổi 56, chị Mai cũng nhận thấy sức khỏe mình giảm sút rất nhiều, chỉ số ung thư đang vượt quá ngưỡng 6 lần cho phép, nhưng hàng ngày đôi bàn tay vẫn không ngừng nghỉ. Xin len, mua len đan từng chiếc khăn, từng mũ ấm, giặt và đóng gói bóng kính từng bộ quần áo cũ do mọi người ủng hộ; để rồi chị là “nguồn hàng” từ thiện quen thuộc của các tổ chức trên địa bàn TP, vào mỗi dịp bà con vùng lũ cần sự chung tay của mọi người. Chị Mai không còn nhớ bao nhiêu ngàn bộ quần áo, chiếc khăn len, mũ ấm được chuyển đến tay người dân tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Người cán bộ “đa năng”

Có lẽ rất hiếm để gặp một người nhiều sức lực tham gia các hoạt động xã hội như chị Mai. Nhiều lúc ngồi nhẩm tính, chị Mai cũng không nhớ nổi mình gánh bao nhiêu vai, vừa là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Chi hội chữ thập đỏ phường, lại vừa là tình nguyện viên ATTP, phòng chống ma túy… Trong mỗi lĩnh vực, mỗi hoạt động, chị đều lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La.
Chị Mai vẫn nhớ trường hợp thanh niên Nguyễn Hồng San, sinh sống tại địa bàn bị ma túy cám dỗ, nhưng đã về lại với đời qua sự động viên, giúp đỡ của mình và các thành viên trong đội tình nguyện phòng chống ma túy. Đang học Đại học Bách Khoa, San bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, mắc vào ma túy. Bố mẹ San sợ tai tiếng, không dám nói với ai. Thương người thanh niên trẻ trung, đang đánh mất dần cơ hội cuộc đời, chị Mai quyết tâm giúp đỡ San thoát khỏi ma túy. Sau những lời chia sẻ, động viên, bàn với bố San đưa cậu đi trại cai nghiện, gia đình đã hiểu mọi người xung quanh không hề khinh rẻ, xa lánh mà rất thông cảm giúp đỡ. Để San tránh tái nghiện, sau khi ra trại, chị Mai đã mời hai mẹ con vào CLB B93 của phường Điện Biên. Có bất kỳ cuộc tập huấn nào liên quan đến ma túy, chị đều rủ San và mẹ đi cùng để hiểu và chăm sóc bản thân mình tốt hơn. “Để giữ được San không rơi vào ma túy lần nữa, công sức của tất cả mọi người bỏ ra không phải là nhỏ. Chị em hội viên ở đây coi San như em trai của mình nên không ngại khó, ngại khổ” – chị tâm sự.

Những cuộc hòa giải mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn vợ chồng trong khu dân cư cũng một tay chị Mai hăng hái. Cũng chưa có cuộc nào chị thấy mình thất bại. Trong hơn 10 năm hoạt động xã hội, đôi lúc chị Mai cũng thấy mình chùn bước, đôi tay mỏi nhừ; nhất là việc làm tốt đón nhận sự hiểu lầm của một số người. Nhưng rồi, khi sự hiểu lầm được hóa giải, chị Mai lại thêm động lực cống hiến và hoạt động. Chị thầm cảm ơn người chồng nguyên cán bộ công an, cùng đứa con trai duy nhất giữa anh và chị đã biết sẻ chia những việc mình làm. Để đến bây giờ, chị hiểu rằng, không bằng khen, giấy khen và giải thưởng nào giúp chị vui bằng sự ghi nhận của bà con lối xóm, của chồng và của con. Chị mong những việc mình làm để giúp ích cho con trai trong những định hướng lựa chọn cuộc sống vì mọi người sau này.
Từ năm 2009 đến nay, chị Phan Thị Hiền Mai đã được T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình, phường Điện Biên… tặng 30 Bằng khen, Giấy khen, như: Từ năm 2006 – 2012, chị liên tục nhận được Bằng khen của T.Ư Hội Chữ thập đỏ đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ, nhiều năm liên tiếp, chị nhận Huy chương Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam…

Phan Thị Hiền Mai là người rất có tâm khi thực hiện các hoạt động xã hội. Tôi rất phục Mai vì dù ốm đau như vậy nhưng không ngại đêm hôm, lực lượng công an phường gọi điện liên quan đến việc của Chi hội Phụ nữ là ngay lập tức chị có mặt tại các điểm chốt. Hàng xóm láng giềng xảy ra va chạm, vợ chồng xô xát…, tôi và Mai đều phải đi đến nhà từng người để gặp và khuyên giải. Điểm mạnh của Mai đó là sự nhiệt tình. Mai không phải đảng viên, bản thân tôi là đảng viên nhưng tự thấy nhiều lúc không nhiệt tình, năng nổ bằng cô ấy. Chính vì nhiệt tình như vậy nên mọi nỗi đau bệnh tật, Mai đều vượt qua.
Chị Trần Thị Dung, khu tập thể 28B Điện Biên Phủ,  

thành viên Tổ hòa giải Cụm dân cư số 10, phường Điện Biên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần