Bột Xuyên chuyển đổi mô hình tăng thu nhập

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) đã tích cực đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương vào sản xuất.

Hiệu quả kinh tế từ những mô hình chuyển đổi đã giúp người dân nơi đây tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Nguyễn Ngọc Doanh, ở thôn Lai Tảo là hộ gia đình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Bột Xuyên. Năm nay, vườn bưởi hơn 100 gốc của ông Doanh dự kiến cho 11.000 quả. Với giá bán (tại vườn) trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/quả, trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Ông chia sẻ, bưởi là loại cây có múi nên khá khó tính, song nếu hiểu được đặc tính của cây thì khó biến thành dễ, mà lại không tốn nhiều công chăm sóc. Chẳng thế mà ông thuộc như lòng bàn tay quy trình chăm sóc cây bưởi từ tỉa cành, khoanh vỏ đến tưới nước, bón phân, bao bọc quả… Vườn bưởi 12 năm tuổi chưa năm nào bị mất mùa, là nguồn thu nhập chính để vợ chồng ông nuôi 3 con ăn học nên người.

Mô hình trồng bưởi Diễn của ông Nguyễn Ngọc Doanh, thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Cách thôn Lai Tảo không xa, mô hình nuôi lợn của anh Nguyễn Hữu Liêm, ở thôn Phú Khê nhiều năm nay cũng nổi tiếng về hiệu quả kinh tế. Năm 2006, anh Liêm cùng với các anh em trong gia đình nhận dồn đổi 8.000m2 ruộng cấy lúa sang chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Hiện tại, với 600m2 chuồng, anh đang nuôi 40 con lợn nái ngoại, 5 con lợn đực ngoại và 100 con lợn thịt. Bên cạnh việc cung cấp nguồn lợn giống tại chỗ cho gia đình, mỗi tháng anh còn xuất bán từ 50 – 60 con lợn giống (25 ngày tuổi) với giá bán trung bình 1,6 triệu đồng/con. Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi gối lứa đàn lợn thịt 100 con/năm với giá bán dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg. Với các khoản thu nói trên, trừ chi phí, anh thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, toàn xã Bột Xuyên có 365ha đất nông nghiệp, gồm: 290ha gieo cấy lúa, hơn 20ha trồng bưởi Diễn, còn lại là chăn nuôi xa khu dân cư và trồng rau an toàn.
Phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới
 Bột Xuyên là xã tiên phong của huyện Mỹ Đức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khởi điểm từ năm 2004 với 8 hộ của thôn Lai Tảo tham gia mô hình chuyển đổi cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi Diễn. Đến nay, khu chuyển đổi trồng bưởi Diễn Lai Tảo đã mở rộng lên 10,2ha với 29 hộ sản xuất. Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, của huyện Mỹ Đức về cơ chế hỗ trợ, kỹ thuật canh tác, mô hình bưởi Diễn ngày càng được nâng cao về năng suất, chất lượng. Năm 2015, giá trị sản xuất của trồng bưởi Diễn đạt 400 triệu đồng/ha. Đáng mừng nhất là nông dân Bột Xuyên luôn tự tin vì không bao giờ phải lo đầu ra cho quả bưởi Diễn. Cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm là các thương lái từ khắp nơi đã đến thăm vườn rồi đặt mua hết.
Sản xuất và tiêu thụ bưởi thuận lợi là vậy nhưng người dân Bột Xuyên vẫn luôn trăn trở vì thứ quả đặc sản của quê hương mình chưa có nhãn hiệu riêng trên thị trường. Ông Lê Ngọc Thực – Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên cho biết, nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xã đã đề xuất huyện xem xét và phê duyệt dự án mở rộng vùng chuyển đổi trồng bưởi quy mô 22,5ha với 162 hộ sản xuất. Đáng lưu ý, để phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đáp ứng tiêu chí môi trường, Bột Xuyên sẽ không mở rộng diện tích chăn nuôi tập trung xa dân cư. Cùng với đó, xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch 46ha rau an toàn đã được TP phê duyệt.
Đến thời điểm hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Bột Xuyên mới đạt 23 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung TP. Do đó, xã kiến nghị các cấp, ngành TP và huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới, đặc biệt là mô hình sản xuất theo hướng an toàn.