Bữa cơm đầu năm

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi không biết đây là văn hóa chung hay chỉ là văn hóa riêng của đại gia đình nhà tôi, cứ vào ngày mùng 3 Tết, đại gia đình mấy chục người sẽ có một bữa cơm chung với nhau tại nhà của bà nội.

Từ khi còn bé, tôi đã thấy việc này được duy trì mỗi năm, khi ấy ông nội tôi còn sống, sáng mùng 3 Tết, tất cả con cháu trong nhà sẽ tụ tập lại tại nhà của ông để cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm. Ông sẽ tận dụng những món đồ ăn còn từ Tết rồi mua thêm một số món, rồi mọi người khi đến ăn mỗi người có thể mang theo một món đồ ăn nhà có. Thế là mấy chục con người quây quần quanh một mâm cơm thật lớn cùng nhau ăn và trò chuyện rôm rả.
Vì là thông lệ mỗi năm, nên các cháu có muốn đi đâu cũng đều phải để dành thời gian sáng mùng 3 Tết. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy, khi ông nội không còn, bà nội sẽ là người duy trì thông lệ ấy. Bà bảo: Con cháu cả năm đi làm xa mỗi đứa mỗi nơi, chỉ có dịp Tết là về đông đủ cả, nên phải có bữa cơm ngồi ăn chung với nhau để gắn kết tình thân.
 Ảnh minh họa (nguồn VOV.vn)
So với nhiều đại gia đình khác thì gia đình tôi thuộc kiểu cũng không đông con cháu cho lắm. Ông bà sinh được 6 người con, 4 trai 2 gái, và mỗi người con cũng chỉ có từ 2 - 3 đứa con, nhưng giờ bà có thêm mấy đứa chắt nữa, thêm dâu rể thành ra nhà cũng đông vui. Nhà đông thì khá tránh khỏi những xích mích hiểu lầm giữa người này với người kia, nhưng cũng nhờ có bữa cơm đầu năm mà mọi người có thể dễ dàng bỏ qua cho nhau.
Như mẹ tôi và thím Út, hai người những ngày đầu về làm dâu rất thân thiết với nhau. Nhà tôi có món gì mới lạ cũng gọi nhà thím vào ăn cùng cho vui. Đi đâu có gì hay mẹ đều nhớ mua cho thím, nhà thím có công việc mẹ đều nhiệt tình giúp. Và đương nhiên thím cũng vậy với gia đình tôi, từ nhỏ tôi đã quen với sự thân thiết giữa hai nhà, chúng tôi cũng chăm lo cho các em con nhà thím như em ruột vậy. Rồi thím đi lao động nước ngoài vài năm, ở nhà mẹ tôi vẫn lo lắng giúp đỡ chú và các em. Khi trở về tính cách thím thay đổi, khi chú làm gì đó giúp đỡ gia đình tôi thì thím cằn nhằn, cho rằng thím đi làm vất vả kiếm tiền mà chú ở nhà lúc nào cũng chỉ lo giúp đỡ anh em trong nhà.
Chuyện đến tai mẹ tôi, vậy là bà giận. Vì bao năm nay bà giúp đỡ gia đình chú thím vô điều kiện, chưa bao giờ tính toán việc gì, Tết đó gia đình tôi có chút chuyện, nên không gói được bánh chưng, nên chú muốn gói bánh cho nhà tôi, chỉ có vậy thôi mà thím dùng dằng rồi cãi nhau một trận thật to với chú.
Mẹ tôi giận không phải vì vài cái bánh chưng mà vì bao năm qua thím không có nhà mẹ tôi đã tận tâm lo cho gia đình thím như nào chú tôi hay làng xóm đều biết, mà giờ chú chỉ muốn giúp nhà tôi có chút xíu thôi mà thím đã nghĩ rằng chú chỉ biết lo cho anh em. Vậy là suốt mấy ngày Tết mẹ không nói chuyện với thím, gặp nhau ngoài đường xem như không quen biết.
Mùng 3 Tết, mọi người đều tập trung ở nhà bà nội nấu nướng cho bữa cơm đầu năm. Mẹ tôi vẫn giận, đến khi tất cả đều ngồi quanh mâm cơm lớn, thím mở đầu câu chuyện đầu năm bên mâm cơm, thím nhắc lại những chuyện mẹ đã giúp đỡ gia đình khi thím không có nhà, thím xin lỗi vì đã cư xử không đúng, do chú mang tiền cho người ta vay giờ họ không trả thím bực mình nên đã phản ứng quá đáng khi chú nhắc đến chuyện muốn gói bánh chưng cho nhà tôi.
Mẹ tôi lúc này mới nói một tràng để thím hiểu là trước giờ nhà tôi chưa bao giờ cần chú phải giúp đỡ chuyện gì, trong khi đó mẹ tôi làm này làm kia giúp chú và hai em ở nhà cũng không tính toán một đồng. Cả 2 nói xong rồi thì mỗi người trong nhà nói vào thêm một câu, vậy là bỏ qua cho nhau, lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Vậy mới thấy, mọi hiểu lầm giận hờn đều có thể bỏ qua được, chỉ cần chúng ta có thời gian ngồi lại bên nhau, đặc biệt là cùng ngồi với nhau trong bữa cơm đầu năm. Vì đầu năm mà, mọi người sẽ dễ dàng bỏ qua và xí xóa cho nhau những chuyện không vui của năm trước. Thế nên, hãy tạm gác qua những bận rộn hay vui chơi để dành thời gian cùng cả nhà ăn bữa cơm đầu năm nhiều niềm vui và may mắn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần