Mùa vụ của nghệ sĩ
8/3 là một trong những mùa vụ kinh doanh nghệ thuật rôm rả nhất nhì trong năm của các bầu sô. Hiện đã có không dưới 7 chương trình ca nhạc, hài kịch xếp hàng chờ ngày "đỏ đèn" tại Hà Nội. Nhà hát Lớn là nơi biểu diễn "Thương lắm tóc dài ơi", Trung tâm Hội nghị Quốc gia xếp chỗ cho gala "Ngàn lời yêu thương", Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã được đặt trước cho "Ru tình", rạp Công nhân là của "Menshow Nhạc xưa"…
Hương Tràm - giọng ca mới duy nhất sẽ xuất hiện trong show 8/3 năm nay.
Sự mùa vụ không chỉ "đánh dấu" trong kỳ cuộc làm ăn của các bầu sô, mà còn hiện diện trong chính bản thân các chương trình biểu diễn. Không chỉ "Ru tình" như đã lấy 8/3 làm… "ngày truyền thống" của đêm diễn để lên sân khấu, mà các đêm nhạc đều "quay" theo chủ đề tình yêu - phụ nữ - người mẹ với các khúc ca cũ và những nghệ sĩ trình diễn không mới. Lối mòn này dường như đã kéo theo một hình thức đêm nhạc toàn giọng ca nam hát mừng phụ nữ - năm nay là "Menshow Nhạc xưa" và năm ngoái là "Yêu em" do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chủ trì. Và dù năm nay không còn thấy chương trình "Hoa cúc vàng tháng Ba" thường niên "lên tiếng", thì người quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn lại thấy thêm chùm hài kịch mang tên "Tình yêu cười" bước vào mùa vụ 8/3… Chỉ vậy đã thấy, trong cuộc kinh doanh nghệ thuật này, chất lượng nghệ thuật không phải là yếu tố được đề cao, dù cho các ca sĩ và ca khúc có được xếp vào hàng "thương hiệu".
Khẩu vị quen thuộc
Như bao năm đã qua, các chương trình lên sân khấu vẫn không được định hình trong một kịch bản kỹ lưỡng, chuẩn mực như đáng ra phải có. Tất cả các show diễn vẫn không nằm ngoài sự ghép nối các ca sĩ tên tuổi, cùng các bài hát "quen giọng". Loanh quanh trong 5 đêm nhạc lớn ở Hà Nội chỉ thấy một chủ đề tình yêu, với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Trọng Tấn, Anh Thơ, Quang Dũng… Các đêm diễn chủ yếu trong hai ngày 7 và 8/3, nhưng chẳng ca sĩ nào chăm chú đầu tư cho 1 chương trình, mà ít nhất là 2, thậm chí có người chạy show 3 đêm liên tục. Ngoài giọng ca mới duy nhất là Hương Tràm (của cuộc thi The Voice), thì các giọng ca còn lại đều được "nhắc lại" y như những chương trình 8/3 đã qua. Hài kịch "Tình yêu cười" là sự ghép nối 4 tiểu phẩm đã đi lại nhiều lần trên sàn gỗ là "Thử thách tình yêu", "Chuyện tình nơi đảo xa", "Thư tình lính biển" và "Bệnh ghen". Thậm chí tiểu phẩm "Thư tình lính biển" đã được "bầu" Chí Trung cho hiện diện ở "Tình yêu cười" năm ngoái.
May ra, trên sân khấu biểu diễn dịp 8/3 năm nay, chỉ có chương trình hài kịch "Nụ cười Kẻ Chợ" của Đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi trẻ là mới một cách đúng nghĩa. Chùm hài kịch này vừa được NSƯT Anh Tú cho "ra lò" với 4 tiểu phẩm: "Thôn du lịch sinh thái", "Bà mẹ họ Hứa", "Đẻ sướng… đẻ khổ" và "Đợi quà". Đây là những vấn đề thời sự nóng bỏng, từ việc chèo kéo khách du lịch, quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chuyện lô đề cờ bạc, tệ nạn phong bì nơi bệnh viện…, và cả những chuyện nhân tình thế thái được khắc họa từ lăng kính hài hước của nghệ sĩ.