Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức tranh ngân hàng 2020: Lợi nhuận cao nhưng dễ tổn thương

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy một bức tranh vẫn khá khả quan. Nhìn chung, các ngân hàng đã gần đi đến mục tiêu cả năm, dù phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Song, áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn rất lớn.

Giao dịch tại chi nhánh LienVietPostBank. Ảnh: Công Hùng
Lợi nhuận 9 tháng đạt 80 - 90% kế hoạch năm
Thông tin từ Ngân hàng LienVietPostBank, đến hết quý III/2020, lợi nhuận lũy kế của ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm 2020 khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng. Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam sau 9 tháng, đã đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.666 tỷ đồng, vượt kế hoạch của cả năm 2020 và lợi nhuận sau thuế gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019.

Tại Ngân hàng TPBank, kết thúc quý III, tổng thu nhập hoạt động đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đã mang lại cho TPBank 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,33% kế hoạch cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), theo báo cáo tài chính quý III vừa được công bố, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Với kết quả này, MB đã hoàn thành khoảng 82% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tại Ngân hàng Quốc tế VIB, lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng (mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB là 4.500 tỷ đồng) tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi Tổng giám đốc Ngân hàng Viet Capital Bank Ngô Quang Trung thông tin, 9 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. 
Vì sao ngân hàng lãi lớn?

Một lý do giúp các ngân hàng chưa bị "ngấm" đòn Covid-19 là nhờ bán lẻ. Khi khó tìm đầu ra cho vay, một số nhà băng mạnh về mảng này vẫn có khả năng "miễn dịch" cao hơn. Với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB vẫn tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Với thế mạnh của VIB là cho vay mua nhà và ô tô, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho rằng, nhu cầu của các sản phẩm này ít bị ảnh hưởng. Đó là các nhu cầu thiết yếu, không phải sản phẩm xa xỉ nên ít bị tác động vì dịch bệnh, ông nhận định. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều ra sức tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt từ bán chéo bảo hiểm. Trong khi một số ngân hàng cũng tăng cường đầu tư vào trái phiếu DN để tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn, điển hình nhất là TPBank.
Ngoài ra, một trong những "giải pháp" quan trọng mà gần như toàn hệ thống ngân hàng áp dụng để cứu lợi nhuận là giảm mạnh chi phí hoạt động thông qua giảm chi cho nhân viên. Tùy mức độ và tùy từng vị trí, nhiều ngân hàng như BIDV, SHB, HDBank đã giảm lương thưởng người lao động từ 10 - 30%, thậm chí nhiều hơn với lãnh đạo.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý, kế hoạch lãi trong năm nay của các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm so với năm 2019 nên dễ dàng cán đích lợi nhuận 2020. Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Ngân hàng Eximbank Nguyễn Hồ Hoàng Vũ cho hay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2020 đạt 1.200 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm nay là 1.435 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, kế hoạch lợi nhuận trên của Eximbank đã được điều chỉnh giảm mạnh 40% từ giữa tháng 5/2020 so với kế hoạch ban đầu (tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019).

Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, ngân hàng này đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2020. Theo kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông thông qua năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019.

Khó khăn còn phía trước

Một mặt cho biết đạt lợi nhuận khả quan sau 9 tháng, nhưng mặt khác, áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng đang “đè nặng” các ngân hàng. Đặc biệt, khi nợ xấu được “che dấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhưng vẫn có xu hướng tăng. Theo quy định của Thông tư 01, các ngân hàng có thể quyết định thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận trong tương lai. Trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn như vậy, nhưng một số ngân hàng vẫn chưa chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay. Đây là lý do lợi nhuận vẫn tăng mạnh.

Như tại Ngân hàng SeaBank, báo cáo tài chính quý III cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 29% khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng mạnh 68%, đạt 462,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Ngân hàng Vietcombank, dù các lĩnh vực kinh doanh vẫn tốt nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng khiến lợi nhuận 9 tháng giảm khá mạnh, chỉ đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ cao vượt trội trong hệ thống ngân hàng, đạt 254% (tức là cứ 100 đồng nợ xấu hiện có thì Vietcombank “để dành” được 254 đồng dự phòng tổn thất).

Thống kê cho thấy, trong quý III/2020, nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh, nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 - nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng có xu hướng tăng. Như tại Sacombank, các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh so với hồi đầu năm, tổng nợ xấu cuối quý III là 6.837 tỷ đồng, tăng hơn 1.105 tỷ đồng trong vòng 9 tháng tương ứng tăng 19%, đưa tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,14% cuối kỳ.
Còn đối với TPBank, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh nhất, ghi nhận mức tăng 82% so với đầu năm 2020, tương đương hơn 555,2 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2020. Nợ nhóm 3, nhóm 5 của TPBank cũng tăng lần lượt 76% và 27% so với thời điểm đầu năm 2020. KienLongBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại thời điểm cuối quý III tiếp tục tăng lên mức 6,63%, trong đó nợ có khả năng mất vốn của lên tới 2.133 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần đầu năm 2020.

Trước đó, trong quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết có xu hướng tăng lên 1,71% từ mức 1,44% cuối quý IV/2019. Viện nghiên cứu BIDV ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn.

Phó Tổng giám đốc của Agribank Nguyễn Thị Phượng cho rằng, các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, "bào mòn" lợi nhuận của ngân hàng. Kết quả kinh doanh của những quý đầu năm vì thế chưa thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của Covid-19 lên ngành ngân hàng, bà nói.

Qua theo dõi của FiinGroup, chi phí dự phòng của ngân hàng thường có độ trễ khoảng 4 quý. Báo cáo của FiinGroup nhấn mạnh, con số lợi nhuận các ngân hàng là nhờ những thay đổi trong chính sách hạch toán của ngân hàng theo Thông tư 01 của NHNN. Tuy nhiên, khi các chính sách này thay đổi thì sự tác động của dịch Covid-19 đến chất lượng tín dụng và qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng sẽ được phản ánh.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong 3 quý năm 2020 ó kết quả khả quan là nhờ cắt giảm chi phí và tìm nguồn thu mới. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh mà sẽ có độ trễ. Một khi các con số nợ xấu lộ rõ, khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ "ăn mòn" lợi nhuận của ngân hàng trong những quý tới. 

TS Nguyễn Trí Hiếu
Vụ Dự báo, Thống kê NHNN vừa có báo cáo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng quý IV/2020. Cùng xu hướng đánh giá tình hình kinh doanh không thuận lợi, số tổ chức tín dụng quan ngại lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm năm 2020 tăng lên dẫn đến kỳ vọng bình quân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của toàn hệ thống tiếp tục điều chỉnh giảm so với các kỳ điều tra trước.