Theo NHNN, nhờ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14, tình hình nợ xấu toàn hệ thống NH đã giảm mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại thời điểm cuối tháng 3/2018 là 2,18%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016. Tính từ năm 2012 đến tháng 4/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 753.500 tỷ đồng nợ xấu. Riêng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống xử lý được 100.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 454.100 tỷ đồng (chiếm 60,3%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 39,7%.
Đề án Kế hoạch Tái cơ cấu NH giai đoạn 2 (2016 – 2020) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg, với các mục tiêu cụ thể: Tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020. |
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, tình hình DN, thị trường chứng khoán, bất động sản cải thiện, khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo dần được hoàn thiện.
Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho NH xử lý tài sản đảm bảo (tài sản không thuộc diện đang tranh chấp, thi hành án), cho phép bán dưới giá trị và tạo điều kiện hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ, góp phần kiểm soát cũng như ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV VAMC, tới đây, trong Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt tăng vốn điều lệ của VAMC lên 5.000 tỷ đồng, gắn vào đó đơn vị có kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty để tiến tới mua bán nợ xấu chuyển hướng hết theo cơ chế thị trường. Như vậy, việc xử lý nợ xấu mới đi vào thực chất, mang hiệu quả tích cực, tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế.
Ngổn ngang tăng vốnPhó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) Phạm Huyền Anh cho biết, sau gần một năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2, NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 của 3/4 NHTM có vốn Nhà nước là Agribank, VCB và BIDV (còn VietinBank chưa được phê duyệt) và 9/10 NH liên doanh và nước ngoài (còn NH liên doanh Việt - Nga chưa được phê duyệt). Hiện khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước do chưa được sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn, trong khi đó, tăng vốn theo hình thức bán cổ phần bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối thiểu của Nhà nước.
Đầu năm 2018, Chủ tịch HĐQT VCB Nghiêm Xuân Thành đã đề xuất cho NH được giữ lại 50% cổ tức của Nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn, vì CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II) của các NHTMNN đã sát ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN. Còn Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng kiến nghị cho VietinBank được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 và xem xét bổ sung vốn điều lệ cho NH từ các nguồn vốn khác, như từ Quỹ sắp xếp đổi mới DN vì tình hình rất cấp bách, CAR của NH đã sát ngưỡng tối thiểu quy định.
Dưới áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng chuẩn mực Basel II, nhu cầu tăng vốn của các NH ngày càng cấp thiết. UBGSTCQG đã xây dựng mô hình dự báo nhu cầu vốn tự có cần bổ sung hàng năm. Kết quả cho thấy, tới cuối năm 2020 nhu cầu vốn tự có tăng thêm của 3 NH VietinBank, BIDV và Vietcombank dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Trong khi đó, để tăng được vốn trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ khi mà cổ phiếu nhóm NH đang ngày càng phân hóa mạnh, những NH nhỏ có cổ phiếu thị giá quá thấp không nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.