"Ngày 10/8, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 4812/BCT-XNK đề nghị Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, các DN vận tải biển và Trung tâm logistics trên toàn quốc xem xét: Giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các Trung tâm logistics cho các DN bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu."- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh "Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế. Do đó, các DN Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa các lợi thế từ EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác để tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường." - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang |
Bức tranh xuất khẩu Việt Nam: Thuận lợi, thách thức đan xen
Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm 2021, mức tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine cho lực lượng lao động trong nước.
Cùng với đó, Việt Nam phải thực hiện tốt hai mục tiêu là kịp thời gỡ khó cho các DN và đa dạng thị trường xuất khẩu.
7 tháng, nhập siêu 2,7 tỷ USDDịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, khiến hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 chững lại. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng thời điểm này năm 2020. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,3 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,3 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188 tỷ USD, tăng 35,3%.
Đáng chú ý, Việt Nam vẫn duy trì được 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó phải kể đến: Điện thoại và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%; hàng dệt và may mặc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, tăng 27,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7%...Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6%. Thị trường EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 15,6%. Thị trường ASEAN đạt 16,2 tỷ USD, tăng 25,8%. Hàn Quốc đạt 11,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%.Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2021 hiện đang nhập siêu 2,7 tỷ USD, con số này đã đảo chiều so với cùng kỳ năm 2020 (xuất siêu 8,69 tỷ USD). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới. Nguyên nhân bởi chu kỳ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Theo tình hình các đơn hàng của các đối tác hiện nay, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản.Nhiều thách thứcTheo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2021 được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tình hình dich bệnh được kiểm soát hay không được coi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.Chỉ ra một số mặt thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Ngày 24/7 vừa qua, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tin vui bởi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt Nam.Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Điện tử, dệt may, da giày... mặc dù tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các DN có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các DN đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.Hỗ trợ doanh nghiệp, đa dạng cả thị trường xuất khẩuNhận định về tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động rất mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Không những bị tác động vì ảnh hưởng từ bên ngoài mà nhu cầu hàng hóa của nước ngoài cũng giảm xuống. Chính ngay việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tất cả các cảng biển đang bị ứ đọng, không thể nhập khẩu, không thể lưu trữ hàng để xuất khẩu... là minh chứng cho thấy thị trường xuất khẩu từ nay tới cuối năm sẽ rất khó khăn.“Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các hiệp hội, ngành hàng cần quan tâm tới cả 2 vấn đề: Đầu vào và đầu ra. Về đầu vào, cần giảm thiểu sự tập trung của thị trường nhập khẩu. Về đầu ra, cần giảm thiểu tập trung vào một vài thị trường lớn. Cụ thể như thị trường Mỹ, vẫn có thể bị tác động mạnh bởi nhiều loại biến thể của Covid-19, do đó nếu chỉ trông chờ xuất khẩu vào thị trường này thì rất rủi ro. Chúng ta cần phải có kế hoạch dàn trải cả thị trường nhập khẩu và xuất khẩu, giảm thiểu sự lệ thuộc vào một thị trường quá lớn như thời gian vừa qua” - TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.Nhằm hỗ trợ DN trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó, có một số ngành như: Công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo để bảo đảm cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch.Đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cùng với việc bám sát và khẩn trương triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan cần tập trung xử lý tốt một số vấn đề ở các khu vực thị trường lớn, đặc biệt là với Mỹ, Trung Quốc và EU. Về phía các địa phương cần tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước.