Bức xúc kiểm tra chuyên ngành

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá phiền hà là điều mà rất nhiều DN bức xúc khi làm thủ tục hải quan.

Tuy vậy, với những gì mà cơ quan hải quan chia sẻ tại buổi họp báo về KTCN chiều ngày 16/8 thì DN còn lâu mới hết khổ với giấy tờ, thủ tục.

Ít hiệu quả

Trước tình trạng một mặt hàng phải áp dụng nhiều chính sách quản lý; hoặc một mặt hàng thuộc diện quản lý cấp phép kiểm tra của nhiều bộ, ngành làm khó DN, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng cục Hải quan, cục hải quan các địa phương đã gấp rút làm việc với từng cơ quan KTCN. Qua đó ký quy chế phối hợp, sắp xếp bố trí mặt bằng, địa điểm cho các cơ quan KTCN làm việc. Cụ thể, nếu như trước đây DN đăng ký kiểm tra chuyên ngành tại đơn vị kiểm tra (thông thường là Hà Nội) sau đó chuyển xuống Hải Phòng để giải quyết thủ tục hải quan, thời gian trung bình khoảng 2 ngày, nay DN có thể đăng ký trực tiếp tại địa điểm KTCN tại Hải Phòng, thời gian trung bình 2 giờ. Cơ quan KTCN cũng rút ngắn được thủ tục lấy mẫu do các bên chủ động trao đổi thông tin. “Tuy nhiên, do mô hình mới triển khai nên số điểm KTCN chưa nhiều và vẫn còn những vướng mắc” - ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết.
Hải quan Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Viết Thanh
Hải quan Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Viết Thanh
Trên thực tế để triển khai địa điểm KTCN hiện nay mới có 8 bộ tham gia với 21 đơn vị. Tuy nhiên, vì không có người có đủ thẩm quyền quyết định nên các điểm KTCN tập trung hầu như chỉ tiếp nhận đăng ký và trả kết quả (sau đó nhiều ngày). Bên cạnh đó, số lượng có kết quả ngay vẫn rất ít so với lượng hàng hóa đi qua. Điểm KTCN là cần thiết theo Đề án 2026 nhưng cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các điểm này vẫn thiếu con người, trang thiết bị. “Còn phần gốc của vấn đề là thể chế vẫn chưa thay đổi, thể hiện ở việc chưa kiểm tra theo tỷ lệ rủi ro mà vẫn là 100%” - ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan chia sẻ.

Các bộ ngành chưa vào cuộc

Theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2016, giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15%. Mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK ngang bằng với các nước ASEAN-6 không còn xa. Tuy nhiên, trước những rào cản vẫn còn lớn các bộ ngành vẫn chưa thực sự vào cuộc sẽ chưa tạo ra những thay đổi lớn, toàn diện như mong muốn, kỳ vọng của Chính phủ.

“Ví dụ như kiểm tra tỷ lệ formaldehyt trong vải theo Thông tư 37/TT - BCT đang càng khó cho DN hơn. Tuy nhiên, ngành hải quan chưa phát hiện lô hàng nào không đạt hàm lượng formaldehyde. Ở Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm tra 8.000 trường hợp nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm; riêng DN dệt may, tỷ lệ vi phạm chưa tới 1%. Ngành hải quan và các ban, ngành liên quan tốn bao nhiêu công sức cho khâu này. Vì thế, cần đánh giá tác động bằng những con số cụ thể, chi phí của xã hội và hiệu quả từ Thông tư này đem lại” - ông Hải phát biểu.

Cũng theo ông Hải, mặc dù tại các văn bản pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ khi công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phải kèm theo mã số HS, nhưng dường như các bộ, ngành vẫn thờ ơ với việc này. Nhiều danh mục quản lý chuyên ngành được các bộ, ngành công bố chưa phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK của Việt Nam và Biểu thuế hiện hành chưa đầy đủ, rõ ràng, không có mã số HS để áp dụng vào Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS….