Chuyện cũ chưa có hồi kết
Trước Tết Nguyên đán 2023, nhiều người dân bức xúc phản ánh về giá cả sinh hoạt, dịch vụ, ăn uống, giá vé xe khách và cả tình trạng nhồi nhét hành khách trên mỗi chuyến xe. Mặc dù tình trạng này được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh dày đặc nhưng nhiều năm qua vẫn không có sự thay đổi.
Ngay từ trước Tết, trên địa bàn Hà Nội, giá rửa xe máy, ô tô tại các cửa hàng ở khu vực như Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ đã tăng mạnh. Giá rửa xe ô tô 4 chỗ dao động 100.000 - 130.000 đồng, xe 7 chỗ 130.000 - 150.000 đồng, xe máy 50.000 đồng và tiếp tục giữ giá này trong những ngày đầu năm mới.
Không chỉ dịch vụ rửa xe, trước nhu cầu du Xuân, đi lễ của người dân tăng mạnh, tại khu vực xung quanh các đền chùa, nhiều điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên như nấm, đua nhau “chặt chém” khách. Thông thường, giá trông giữ xe máy dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/xe, ô tô từ 50.000 - 100.000 đồng/xe. Trung tá Vũ Thế Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT - TT), Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tình trạng người dân tự ý trông giữ phương tiện trái phép trong những ngày Tết diễn ra phức tạp.
Thực tế cho thấy, các điểm trông giữ phương tiện này ngày Tết vô tư “chặt chém” từ 30.000 - 50.000 đồng/xe. Đầu Xuân năm mới, nhiều người không muốn đôi co, mặc cả, khiến tình trạng vi phạm phức tạp hơn. “Ngay cả các bãi trông xe được cấp phép cũng vậy, có thể ban đầu trông giữ với mức phí đúng quy định nhưng thấy các bãi xe tự phát thu giá cao cũng mập mờ giá vé” - Trung tá Vũ Thế Cường thông tin thêm.
Cũng theo Chỉ huy Đội CSGT - TT, việc xuất hiện các bãi xe tự phát là khó tránh khỏi vì các bãi xe được cấp phép không đủ điều kiện, diện tích đáp ứng nhu cầu trông giữ của người dân. Tuy nhiên, việc vi phạm như vậy không những gây mất an ninh trật tự, nguy cơ phát sinh tội phạm mà còn khiến hình ảnh đô thị trở nên méo mó, xấu xí trong mắt du khách thập phương.
Tại Lễ hội chùa Hương, để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” giá cả, chèo kéo tranh giành khách, Ban Tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé tham quan từ truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội.
Trưởng ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, hành vi lôi kéo, chèo kéo người đi đò chủ yếu là người dân ở xã Hương Sơn. Đơn vị cũng đã tuyên truyền tới người dân địa phương. Quá trình mời chào khách từ xa, đeo bám gây phản cảm, mất an toàn giao thông sẽ được chấn chỉnh.
Ngoài các dịch vụ phát sinh liên quan đến xe cộ, một số điểm bán hàng ăn cũng đua nhau tăng giá trong và sau Tết. Tại Hà Nội, giá trung bình của một bát bún riêu ốc hoặc phở bò, miến ngan… dao động từ 60.000 - 80.000 đồng. Nguyên nhân của việc tăng giá được các chủ cửa hàng đưa ra là do thiếu nhân công, giá xăng tăng nên nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo?!
Không để nạn "chặt chém" khách hoành hành
Nhìn nhận hiện tượng trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong mùa du lịch hay các dịp lễ, Tết, giá cả thường tăng chóng mặt, khiến nhiều người cảm thấy bức xúc bởi giá thành cao nhưng chất lượng đồ ăn, dịch vụ không tương xứng. Không chỉ "chặt chém" khách ngoại quốc, nhiều khách nội địa cũng cảm thấy "tái mặt" khi thanh toán hóa đơn tại các địa điểm du lịch.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này một phần do người bán viện cớ giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá món ăn cũng phải tăng để có lợi nhuận. Ngoài ra, tại các quán ăn nhỏ hay vỉa hè thường không có thực đơn niêm yết giá, đến khi thanh toán, khách hàng mới "ngã ngửa". Mặt khác, nhiều khách hàng do tâm lý ngại hỏi giá nên bị người bán lợi dụng để tính thêm các khoản tiền vô lý.
Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đồng thời phải niêm yết đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Nghị định 149/2017/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng áp dụng với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
Đặc biệt mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 40 - 60 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Để tránh bị “chặt chém” trong những ngày đầu năm mới, mỗi người dân cần thận trọng hỏi giá trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào. Khi bị bên cung cấp dịch vụ đưa ra mức giá bất hợp lý cần trình báo với chính quyền phường sở tại nơi xảy ra vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn Luật sư TP Hà Nội