Chính phủ Bulgaria ngày 7/12 tuyên bố nước này sẽ rút khỏi dự án đường ống dẫn dầu xuyên Balkan hợp tác với Nga và Hy Lạp vốn bị đình trệ hai năm qua. Bộ trưởng Tài chính Simeon Djankov cho biết Bulgaria đề xuất hủy bỏ dự án chung này trên cơ sở một thỏa thuận chung. Nếu không đạt được thỏa thuận, Bulgaria sẽ đơn phương rút khỏi dự án trong vòng 12 tháng. Ông Djankov cũng cho biết Sofia sẽ trả khoản tiền 8,2 triệu USD mà nước này nợ công ty được thành lập để xây dựng dự án đường ống xuyên Balkan này. Chính phủ Bulgaria cho biết dự án đường ống dẫn dầu xuyên Balkan không còn được coi là một dự án kinh tế và Bulgaria lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường vì đường ống dẫn dầu này sẽ đi qua các khu bảo tồn thiên nhiên. Trước đó, Tập đoàn vận chuyển dầu khí Tranzneft của Nga cũng đã quyết định ngừng cung cấp tài chính cho dự án này. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Tranzneft Igor Diomin khẳng định "dự án trên sẽ bị ngưng trệ chứ không bị khai tử," vì tất cả các đối tác tham gia dự án đều quan tâm đến dự án này. Dự kiến các cổ đông tham gia dự án sẽ quyết định tương lai của đường ống xuyên Balkan này tại một hội nghị ở Amsterdam ngày 14/12 tới. Năm 2007, Nga, Bulgaria và Hy Lạp đã ký hiệp định liên chính phủ về xây dựng đường ống dẫn dầu của Nga tới châu Âu. Theo thiết kế, đường ống dẫn dầu này dài 280km, nối giữa cảng Burgas trên Biển Đen của Bulgaria và cảng Alexandroupolis trên Biển Aegean của Hy Lạp, có công suất 35 triệu tấn/năm và có thể nâng tới 50 triệu tấn/năm. Để thực hiện dự án này, ngày 6/2/2008, ba nước đã thành lập Tập đoàn liên doanh Trans-Balkan Pipeline B.V., trong đó Nga chiếm 51% cổ phần, Bulgaria và Hy Lạp chia đều nhau 49% cổ phần còn lại.