Bún thang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày cuối tuần đầu Hạ, mẹ tôi bảo: "Hôm nay, mẹ sẽ làm bún thang cho cả nhà thưởng thức". Chỉ một câu nói ấy thôi, không khí ngày cuối tuần của gia đình rộn rã hơn.

Bún thang, vốn không xa lạ với người Hà Nội, một món đã trở thành cao cấp, không xuất hiện trong ngày thường, không dành cho ai vội vàng hay háu đói. Bởi đó là món cầu kỳ, kỹ càng, công phu như chính cách sống của người Hà Nội và được ví như tiếng đàn trong ngày vui.

Làm một bữa bún thang quả rất tốn thời gian, và trong nhà phải có bà chủ nhà giỏi gia chánh, tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo. Đầu tiên phải có nồi nước dùng ngọt từ đạm chứ không được ngọt chất đường. Muốn vậy, luộc gà, hầm xương lợn, nước phải luôn sôi lăn tăn, có người đứng thường trực hớt hết bọt rồi thả vào xâu tôm he khô, trứng tráng thật mỏng, thái nhỏ như sợi chỉ vàng. Giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ như thế. Thịt gà nạc, miếng đùi nâu nâu, miếng lườn trắng nõn, miếng da vàng ươm, không thái mà xé nhỏ, tạo lên một hỗn hợp màu sắc. Ruốc tôm tơi như bông, gọi là ruốc bông, không phải là ruốc thịt lợn vì sẽ bị dai. Thêm ít củ cải khô đã ngâm tẩm kỹ, có chua, có cay, có giòn, có hương vị lạ và không được quên vài cái nấm hương…

Mỗi loại được đặt vào một góc trên mặt bát, thứ nào ra thứ ấy. Phía trên cùng là vật trang trí cho thêm màu non nước xanh của rau mùi, hành lá. Và dường như không thể thiếu món mắm tôm. Bát bún thang đẹp mắt trước khi ngon miệng cũng bởi những màu sắc rất rõ ràng ấy.

Bún thang bây giờ không khó kiếm từ những hàng nhỏ vỉa hè, trong chợ đến các nhà hàng lớn, nhưng với nhiều người Hà Nội vẫn thích tự tay làm món ăn ấy đãi cả nhà vào dịp cuối tuần, lúc quây quần vui vẻ và để giữ lại hương vị đặc trưng của ẩm thực Hà thành xưa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần