Bùng phát biểu tình phản đối chính sách quân sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngàn người đã biểu tình bên ngoài Quốc hội Nhật Bản trước các đạo luật mới cho phép triển khai quân đội ở nước ngoài.

Đây là những thay đổi sẽ cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự thay đổi này đã được thông qua bởi Hạ viện Nhật Bản và dự kiến sẽ được thông qua bởi Thượng viện.
Người biểu tình tụ tập trước trụ sở Quốc hội Nhật Bản.
Người biểu tình tụ tập trước trụ sở Quốc hội Nhật Bản.
Theo Hiến pháp, Nhật Bản bị cấm sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, ngoại trừ trong trường hợp tự vệ. Nhưng sự thay đổi của pháp luật hiện nay sẽ cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh bị tấn công.
Sinh viên và những người trẻ tuổi dẫn đầu các cuộc biểu tình cho biết họ muốn bảo vệ hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng những thay đổi này là cần thiết để bảo vệ Nhật Bản, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Nhật phản đối điều này. Kế hoạch này trước đó đã bị chỉ trích tại buổi lễ tưởng niệm ngày quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống  thành phố Nagasaki đã giết chết 70.000 người vào tháng 8/1945.

Một nạn nhân của các cuộc tấn công trong chiến tranh thế giới thứ hai, Sumiteru Taniguchi 86 tuổi, cho biết ông không thể chấp nhận luật mới của ông Abe.

Ông Abe đã khẳng định sự thay đổi sẽ không dẫn đến sự tham gia của Nhật trong cuộc chiến tranh nước ngoài.

Sau Thế chiến thứ hai, Hiến pháp của Nhật Bản không cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, ngoại trừ trong trường hợp tự vệ. Chính phủ của ông Abe đã thúc đẩy cho một sự thay đổi để quân đội Nhật Bản có thể hoạt động ở nước ngoài khi ba điều kiện được đáp ứng: khi Nhật Bản bị tấn công, hoặc khi một đồng minh thân cận bị tấn công, đe dọa sự sống còn của Nhật Bản và đặt ra một mối nguy hiểm rõ ràng; khi không có phương tiện thích hợp khác để đẩy lùi các cuộc tấn công và đảm bảo sự sống còn của Nhật Bản và bảo vệ người dân; sử dụng vũ lực bị hạn chế đến mức tối thiểu.