Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đà cho năm 2018

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam khép lại một năm 2017 với nhiều kỷ lục được ghi nhận. Hôm qua, Tổng Cục thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, rất mừng GDP tăng vượt 6,8% vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2016, hàng loạt lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Nếu như đầu năm, GPP tăng thấp khiến Chính phủ hết sức lo lắng thì đến nay GDP đã vượt mức mong đợi. Theo lãnh đạo cơ quan Thống kê, nếu không có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ với các giải pháp cụ thể cộng với tình hình kinh tế thế giới thì chắc chúng ta khó đạt được kết quả ấy.
Nói một cách khách quan, năm 2017, thuận lợi đến từ cả kinh tế thế giới và nhiều điều kiện trong nước. Tốc độ tăng GDP chủ yếu nhờ được sự hỗ trợ của tổng cầu. Sự phục hồi, khởi sắc của kinh tế toàn cầu kéo theo đầu tư toàn cầu tăng cao. Trong nước, lạm phát thấp, theo nhu cầu chi tiêu tăng, tổng cầu tăng. Thể hiện tổng mức bán lẻ trong nước tăng gần 10%, tổng cầu quốc tế cũng tăng thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt trên 400 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, bên cung cũng tốt, Việt Nam chuyển đổi cơ cấu của các ngành kinh tế, giảm trồng lúa sang phát triển cây công nghiệp lâu năm, thủy sản…

Như vậy để thấy rằng, xu hướng tăng trưởng bình quân Việt Nam đang ngày càng hòa với thế giới. Số liệu tăng trưởng mà các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB… đưa ra cho thấy tăng trưởng các nước trong khu vực và Việt Nam tương đối cùng chiều.

Bước sang năm 2018 sẽ là một năm đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Độ mở của nền kinh tế đã quá lớn. Xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng trong thời gian gần đây. Xu hướng này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam với tư cách là nền kinh tế theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới sẽ đối mặt với không ít thách thức từ xu hướng này.

Dễ thấy như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá “sốc” với thép Việt Nam, EU cảnh cáo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam gần đây là một khó khăn và thách thức lớn. Trong khi đó, nhìn một cách công bằng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, khu vực trong nước còn yếu, đòi hỏi cần giải pháp thúc đẩy DN nội địa phát triển, đủ sức trở thành đối trọng của khu vực FDI, để cùng liên kết, phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội nhưng cũng đầy thử thách cho các DN trong nước.

Các chỉ số kinh tế năm 2017 tăng ấn tượng là thành công của toàn bộ nền kinh tế, cộng đồng DN và quyết tâm của Chính phủ. Tin tưởng rằng, Chính phủ có bài học chỉ đạo điều hành sẽ tiếp tục xây dựng Nhà nước kiến tạo, tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát để mục tiêu 2018 sẽ đạt được.