Có chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù
Theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của TP Hà Nội, đối với các VĐV, HLV được triệu tập tập huấn, thi đấu tại ĐTQG sẽ được nhận chế độ trợ cấp trách nhiệm thường xuyên là 7 triệu đồng/người/tháng. Đối với VĐV, HLV được triệu tập tập huấn, thi đấu tại đội tuyển trẻ quốc gia nhận 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, VĐV, HLV được hưởng chế độ trợ cấp, đãi ngộ đặc thù theo chu kỳ từng Đại hội thể thao (Olympic, Asiad, SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc) và chu kỳ thi đấu của từng môn thể thao. Cụ thể, chế độ trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV giành HCV Olympic, Asiad, SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc lần lượt là 74,5 triệu đồng - 33,5 triệu đồng - 15 triệu đồng - 7 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với VĐV giành HCB Olympic, Asiad, SEA Games, khoản tiền này lần lượt là 41 triệu đồng - 18,5 triệu đồng - 8,5 triệu đồng/người/tháng; VĐV giành HCĐ Olympic, Asiad, SEA Games lần lượt là 33,5 triệu đồng - 15 triệu đồng - 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo như Nghị quyết được ban hành, VĐV giành HCV giải vô địch thế giới, Giải vô địch châu Á các môn nhóm 1 lần lượt nhận 33,5 triệu đồng - 23,5 triệu đồng/người/tháng, môn nhóm 2 là 23,5 triệu đồng - 16,5 triệu đồng/người/tháng; giành HCB giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á môn nhóm 1 lần lượt nhận 18,5 triệu đồng - 13 triệu đồng/người/tháng, môn nhóm 2 là 13 triệu đồng - 9 triệu đồng người/tháng; giành HCĐ giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á môn nhóm 1 lần lượt nhận 15 triệu đồng - 11 triệu đồng người/tháng; môn nhóm 2 là 11 triệu đồng - 7,5 triệu đồng người/tháng. Ngoài ra, mức trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV vượt qua vòng loại Olympic, Cup bóng đá thế giới - World Cup là 17 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, đối với HLV có VĐV đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế, hiện vẫn đang huấn luyện cho TP Hà Nội thì được hưởng chế độ bằng 1/2 chế độ của VĐV. Ngoài ra, Nghị quyết còn hỗ trợ VĐV đạt thành tích tại các giải thi đấu và có thời gian tập luyện, thi đấu cho thể thao Hà Nội từ 5 năm trở lên, được cơ quan sử dụng VĐV đánh giá không còn khả năng thi đấu thể thao.
Tạo nguồn động lực phát triển nhanh, bền vững
Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu và khẳng định được vị thế trong nhiều năm qua về thể thao thành tích cao, đóng góp vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam ở các giải đấu quốc tế. Để đạt và duy trì thành tích trong thời gian dài, thể thao Hà Nội luôn được định hướng về mọi mặt, từ chế độ thu hút nguồn lực đến hệ thống cơ sở vật chất tập luyện tốt giúp các VĐV, HLV thi đấu thành công trong ở các bộ môn khác nhau. Việc Nghị quyết chính thức được đưa vào thực hiện sẽ là cơ sở, nền tảng để phát triển ngành thể thao Thủ đô.
Nhìn lại chế độ thu nhập và đãi ngộ của VĐV, HLV trong gần 1 thập niên trở lại đây, trong đó có khoản thưởng cho thành tích thi đấu tại các giải trong nước, quốc tế, đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội còn khiêm tốn khi thu nhập hằng tháng của VĐV đội tuyển chỉ ở mức khoảng hơn 12 triệu đồng (tính cả tiền công và tiền ăn).
Theo Trưởng bộ môn wushu (Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội) Phan Quốc Vinh, sự nghiệp thể thao của một VĐV không dài, trong đó việc tích luỹ thu nhập là gần như không có, chỉ một số ít VĐV có thể tích luỹ khi tham gia và giành thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Đây cũng là vấn đề nan giải của thể thao Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc chiêu mộ, giữ chân các nhân tài của thể thao địa phương.
“Thể thao Hà Nội có không ít VĐV Hà Nội đã chuyển đến các đơn vị khác khi có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Việc ban hành chế độ đãi ngộ tốt là bàn đạp để các bộ môn tìm kiếm các nguồn VĐV tốt hướng tới sự phát triển lâu dài. Ngoài ra, các VĐV sẽ yên tâm tập luyện trong thời gian dài” – ông Phan Quốc Vinh chia sẻ.
Nhìn lại các giải đấu lớn cũng như những kỳ Đại hội trước, thể thao Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% số lượng VĐV, phần lớn HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam, đơn cử tại SEA Games 32, số lượng HCV các VĐV Thủ đô mang về tại sân chơi khu vực chiếm tới gần 1/3 thành tích chung toàn đoàn. Tại Đại hội tầm cỡ châu lục là Asiad 19, Thể thao Hà Nội đã đóng góp hơn nửa số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam khi giành được 2 HCV (nội dung đồng đội nữ biểu diễn quyền môn karate, đồng đội nữ 4 người môn cầu mây), 3 HCB, 7 HCĐ. Chế độ đãi ngộ tăng đồng nghĩa với nhiệm vụ được đặt ra lớn hơn so với trước nhưng đó là động lực cho thể thao Hà Nội phát triển nhanh, bền vững cho thể thao Thủ đô. Phó Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội Đới Đăng Hỷ khẳng định, chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù được nâng lên sẽ là bàn đạp để thể thao Hà Nội hướng đến những mục tiêu lớn tiếp theo như có VĐV giành huy chương Olympic; giành nhiều hơn 2 HCV tại mỗi kỳ Asiad và các giải đấu khác.
“Tăng chế độ đãi ngộ và tạo môi trường tập luyện tốt hơn là động lực mạnh mẽ để các VĐV gắn bó và cống hiến cho thể thao Hà Nội. Đặc biệt, trong quá trình luyện tập, các VĐV có thêm sự quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra cũng như cao hơn ở các giải đấu lớn” – VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt.