Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đột phá quan trọng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến để học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã được tổ chức quy mô và với nhiều đột phá trong phương thức. Không chỉ dừng ở kết nối với trên 600 điểm cầu ở các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc và cả các xã, phường, thị trấn, hội nghị còn được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, để những điểm cốt lõi của 10 Chương trình công tác đến gần hơn với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

 Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hình thức tổ chức này nhận được nhiều sự đón nhận của cán bộ, đảng viên và người dân. Việc làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà điều quan trọng là đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc tiếp thu nội dung của các Chương trình, nhất là với cấp cơ sở. Hơn nữa, hình thức truyền hình trực tiếp, không chỉ dừng ở số lượng được thống kê là hơn 35.000 cán bộ chủ chốt các cấp tham gia học tập, mà mỗi người dân Thủ đô cũng hiểu rõ ràng, cặn kẽ hơn về những mục tiêu, giải pháp được đặt ra trong các chương trình. Đích thân Trưởng các Ban chỉ đạo từng chương trình đã quán triệt, phân tích kỹ những điểm mới, cốt lõi của chương trình. Đây chính là sự kết nối quan trọng, để đẩy nhanh hơn nữa khí thế hành động khẩn trương, biến từng kế hoạch, đề án, nhiệm vụ thành kết quả hiện hữu ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ.
Đúng như Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói khi khai mạc hội nghị, “mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất của việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội là vì sự phát triển của Thủ đô nói riêng, của đất nước nói chung và Nhân dân được thụ hưởng những thành quả phát triển đó”. Có thể thấy rằng, việc Thành ủy Hà Nội nhanh chóng triển khai xây dựng và ban hành 10 Chương trình công tác toàn khóa XVII ngay sau Đại hội Đảng bộ TP không lâu, chính là một bước tiến mới về tư duy và hành động trong công tác triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Bởi nội dung 10 Chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết, từ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đến đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế đô thị, nông thôn; quy hoạch, tài nguyên, môi trường, phát triển văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội... Bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nông thôn mới, an ninh - quốc phòng hay phòng, chống tham nhũng… 3 chương trình mới về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng chất lượng cuộc sống của Nhân dân nhận được nhiều sự quan tâm. Những lựa chọn này đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của TP, giúp Hà Nội phát triển thận trọng hơn, toàn diện hơn, nâng cao hơn đời sống người dân.

Từ việc xây dựng, ban hành các chương trình công tác trúng và đúng với tình hình thực tiễn của TP, việc đột phá tiếp theo trong hình thức học tập, quán triệt sẽ giúp cho mỗi cán bộ chủ chốt các cấp cũng như các đảng viên, người dân thống nhất nhận thức, từ đó thống nhất hành động trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đặt ra. Hay nói cách khác, với cách làm này, đã góp phần nhanh nhất để chương trình đến gần hơn với mỗi cán bộ, người dân, những nhân tố tích cực góp phần cùng cả hệ thống chính trị của TP tổ chức thực hiện. Đồng thời cũng tạo điều kiện để Nhân dân đồng thuận ủng hộ, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình.