Bước ngoặt quan trọng của Hy Lạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tỷ lệ 233/300 phiếu thuận, Quốc hội của Hy Lạp hôm 18/2 đã bầu chính trị gia theo đường lối bảo thủ và ủng hộ châu Âu Prokopis Pavlopoulos làm Tổng thống mới.

Ông Pavlopoulos năm nay 64 tuổi và được dư luận trong nước ủng hộ, đánh giá cao. Với tư cách là giáo sư hàng đầu của Hy Lạp về luật pháp công, tân Tổng thống hoàn toàn có đủ khả năng để điều hành một chính phủ kỹ trị. Không những vậy, kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị của Tổng thống Pavlopoulos đã được bồi đắp qua nhiều thời kỳ. Năm 1974, khi mới 24 tuổi, ông đã là thư ký của Tổng thống Michail Stasinopoulos. Sau quá trình giảng dạy và là nhân vật trụ cột của đảng Dân chủ mới, ông đã đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nội vụ giai đoạn 2004-2009.

Theo kế hoạch, ông Pavlopoulos sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống sau khi người tiền nhiệm Karolos Papoulias kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 13/3 tới.

Bước ngoặt quan trọng của Hy Lạp - Ảnh 1

Đây được coi là diễn biến bước ngoặt trên chính trường Hy Lạp, góp phần củng cố sức mạnh cho chính phủ còn non trẻ trong cuộc đàm phán cam go với chủ nợ quốc tế về những điều khoản của các gói cứu trợ. Theo giới phân tích, việc ông Pavlopoulos đảm nhiệm chức vụ Tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm sẽ giúp chính phủ thu hút được sự ủng hộ cần thiết từ các chính đảng trong bối cảnh Hy Lạp đang đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức.

Ngoài ra, việc ứng viên do Thủ tướng Alexis Tsipras đề cử nhận được sự ủng hộ của phần lớn thành viên Quốc hội phần nào cho thấy sự hậu thuẫn của cơ quan lập pháp nước này với chính phủ mới. Hồi tháng 12 năm ngoái, chính việc không bầu được Tổng thống đã đẩy chính trường Hy Lạp vào một cuộc khủng hoảng chính trị, kéo theo cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn và thay đổi chính quyền hồi tháng 1 vừa qua.

Bước ngoặt quan trọng của Hy Lạp - Ảnh 2

Washington cảnh báo thời gian của Athens đang cạn dần

Chính trường trong nước ổn định sẽ tạo điều kiện để chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras tập trung mọi nguồn lực cho cuộc đàm phán cam go với các chủ nợ quốc tế về một thỏa thuận cho vay mới khi gói cứu trợ sẽ hết hạn vào ngày 28/2. Nếu gói cứu trợ này không được gia hạn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và việc bị khai trừ khỏi Eurozone có thể là kết cục được dự báo của Athens sau tất cả những bất ổn đã diễn ra.

Trong một diễn biến có liên quan, Washington đã gia tăng sức ép lên Athens sau khi cảnh báo Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận khung mang tính xây dựng hơn bởi thời gian của Hy Lạp đang cạn dần.

Theo kế hoạch, ông Varoufakis sẽ trình đề xuất về thỏa thuận vay mới trong ngày hôm nay (19/2) và tràn đầy tự tin sẽ đạt được một thỏa thuận mới vào thứ Sáu.