Bước tiến trong tuyển sinh đầu cấp
Kinhtedothi - Từ mùa tuyển sinh năm 2026 – 2027, thay vì tuyển sinh đầu cấp theo tuyến như hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến tuyển sinh theo tiêu chí học gần nhà. Dù tận năm sau mới triển khai nhưng thông tin trên khiến phụ huynh và dư luận Thủ đô rất phấn khởi và cho rằng, đây sẽ là bước tiến mới giúp tăng thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Đòi hỏi cấp thiết từ thực tế
Nhiều năm qua, Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) theo tuyến. Trước mỗi mùa tuyển sinh, các nhà trường phối hợp UBND phường, xã, thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn để phục vụ công tác phân tuyến tuyển sinh. Căn cứ số liệu cụ thể đó, Phòng GD&ĐT quận, huyện sẽ tham mưu chính quyền sở tại phân tuyến tuyển sinh cho các nhà trường. Việc phân tuyến tuyển sinh và công tác giao chỉ tiêu phải phù hợp điều kiện thực tế, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Công tác tuyển sinh đầu cấp theo tuyến hướng đến mục tiêu bảo đảm tuyển sinh chính xác, an toàn, công bằng và nghiêm túc. Tuy nhiên, tại Hà Nội, tốc độ phát triển trường lớp chưa theo kịp tốc độ tăng dân số nên dù có nhiều nỗ lực trong bảo đảm chỗ học cho học sinh nhưng một yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay mà công tác tuyển sinh đầu cấp phải hướng đến, đó là tăng thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Tuyển sinh theo tiêu chí học gần nhà sẽ là bước tiến mới, thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Ảnh: Thanh Hải
Thực tế, có không ít trường hợp trường ở gần nhà nhưng phụ huynh vẫn phải dậy sớm, chở con vài cây số để học trường đúng tuyến. “Trường ở gần nhà chỉ để ngắm. Thay vì con đi bộ vài bước chân là đến trường thì cả mẹ, cả con phải dậy sớm dòng nhau xe máy đường xa. Điều này là bất tiện và bất hợp lý” - chị Ngô Hoài, quận Ba Đình chia sẻ.
Đơn cử, ngay mùa tuyển sinh năm 2024 cũng xảy ra một sự việc ồn ào liên quan đến công tác tuyển sinh khi hàng trăm phụ phụ huynh kéo đến “quây” Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (quận Bắc Từ Liêm) do bức xúc vì con không được học trường gần nhà.
Để giải quyết thử thách tương tự, TP Hồ Chí Minh đã dùng bản đồ số để phân tuyến tuyển sinh từ 2 năm trước. Việc này được dư luận, phụ huynh đánh giá rất tích cực vì tạo thuận lợi trong đi lại, đưa đón học sinh, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế được những tình trạng tiêu cực liên quan “chạy lớp, chạy trường”, bảo đảm quyền được học tập của trẻ em.
Mặc dù có nhiều khó khăn như quy mô học sinh lớn, trường lớp thiếu nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị TP nói chung và ngành giáo dục Thủ đô nói riêng, từ năm học 2026 – 2027, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến chuyển đổi số và triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – bản đồ số GIS) trong tuyển sinh đầu cấp, áp dụng phương thức phân tuyến tuyển sinh theo hệ thống định vị của bản đồ số; học sinh sẽ được học trường gần nhà thay vì trường phân tuyến như hiện nay.
“Nếu được học trường gần nhà, đó là may mắn của gia đình tôi vì sang năm có con vào lớp 1. Con sẽ được ngủ nhiều hơn một chút, được ăn uống và chăm sóc đầy đủ hơn, thay vì dậy sớm để đi học trường xa nha” - chị Hoàng Thị Linh, quận Thanh Xuân bày tỏ.
Chia sẻ về phương án này, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, việc tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo thuận lợi lớn cho học sinh và phụ huynh. Trên thực tế, nhiều tổ dân phố tuy thuộc quận này nhưng giáp ranh trường thuộc quận khác. Nếu tính đúng tuyến mà lại phải đi xa, trong khi gần nhà có trường tốt thì rất bất tiện cho học sinh, vất vả với phụ huynh. Tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều phía; giảm ùn tắc giao thông và tình trạng học trái tuyến. Khi học gần nhà, học sinh có thể tự đi học, tự về nhà, vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa giảm tải giao thông trước cổng trường vào mỗi buổi sáng, chiều.
Cần sớm chuẩn bị phương án
Đề cập đến khó khăn gặp phải của TP Hồ Chí Minh khi triển khai tuyển sinh theo vị trí địa lý, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ ra vấn đề dễ bắt gặp nhất, đó là việc phụ huynh lách luật, thuê nhà gần trường tốt để được tuyển sinh; sau khi việc học ổn định lại chuyển về nhà cũ; điều này làm mục tiêu “học gần nhà” không thực hiện được. "Phụ huynh vừa muốn học trường gần nhà nhưng vừa muốn đó phải là trường tốt để cho con theo học. Muốn hiện thực hóa mong muốn ấy, Hà Nội phải đồng đều chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học giữa các nhà trường. Như vậy mới giảm dần trong tư duy “xin trường tốt”, tạo sự yên tâm cho cha mẹ" - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT (quận Hà Đông) Phạm Thị Lệ Hằng, để bảo đảm học sinh được học trường gần nhà và hài lòng với ngôi trường đó thì biện pháp lâu dài và cốt yếu nhất vẫn là đầu tư đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đồng quan điểm khi cho rằng phải điều hòa được chất lượng giữa các trường, tránh tình trạng nơi này quá đông về số lượng, nơi kia không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục theo mặt bằng chung, chắc chắn tình trạng học trái tuyến, xin trường sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, phải quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, nhất là tại các khu đô thị mới. Để việc áp dụng phương án tuyển sinh theo địa lý khả thi, Hà Nội phải lên phương án sớm và tính toán kỹ lưỡng các yếu tố để bảo đảm sự đồng bộ. “Việc áp dụng mô hình tuyển sinh theo địa lý là một định hướng tích cực và nhân văn. Tuy nhiên, ngoài chính sách và chủ trương chung, cần sự chuẩn bị từ phía các trường, đặc biệt là về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực tiếp nhận học sinh. Nếu không tính toán kỹ, rất dễ xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở những khu vực đông dân cư…” - Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hà Đông nêu ý kiến.
Nhằm chuyển đổi hình thức tuyển sinh đầu cấp từ “theo tuyến”, sang “gần nhà”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các đơn vị phải tính toán phân tuyến linh hoạt, thống nhất với chính quyền sở tại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học. Khi tuyển sinh theo bản đồ GIS, học sinh sẽ có cơ hội học tập trong môi trường gần gũi, quen thuộc, giảm quãng đường di chuyển, từ đó có thêm thời gian cho các hoạt động phát triển toàn diện.
Trích dẫn
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – bản đồ số GIS) cho phép hiển thị và phân tích dữ liệu theo không gian như vị trí nhà của học sinh, các tuyến đường, khoảng cách tới trường học hay tình trạng giao thông. Nhờ đó, các nhà quản lý giáo dục có thể xác định khu vực tuyển sinh một cách khoa học, hợp lý, tránh tình trạng dồn quá nhiều học sinh vào một số trường nóng gây quá tải hoặc ùn tắc vào giờ cao điểm. Để triển khai thành công, điều quan trọng là cần có dữ liệu địa chỉ chính xác, cập nhật và xây dựng nền tảng bản đồ trực quan, dễ sử dụng cho cả phụ huynh lẫn cán bộ quản lý khi tất cả mọi dữ liệu được số hóa và mọi quyết định được đưa ra trên dữ liệu dạng số.

Hà Nội giữ ổn định thời gian, phương thức tuyển sinh theo kế hoạch
Kinhtedothi- Ngày 25/4, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP năm 2025 và Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP năm học 2025-2026 đã họp phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo các kỳ thi, tuyển sinh TP chủ trì cuộc họp.

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10
Kinhtedothi - Tại thông báo mới nhất, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ điều chỉnh phương thức tuyển sinh lớp 10 năm 2025. Theo đó, trường không tuyển thẳng, không áp dụng cộng điểm ưu tiên, khuyến khích.

Hà Nội: hỗ trợ kịp thời, bảo đảm thuận lợi trong tuyển sinh đầu cấp
Kinhtedothi – Công tác tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) diễn ra đúng thời điểm vận hành bộ máy mới của chính quyền sau sắp xếp, nhằm bảo đảm thuận lợi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh TP Hà Nội năm học 2025 - 2026 quyết định giữ ổn định kế hoạch tuyển sinh.