Hàng chục héc-ta rừng bị thiệt hại
Cuối tháng 6/2021, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ngay sau khi phát hiện đám cháy, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người tham gia dập lửa. Công an huyện Sóc Sơn cũng điều 2 xe cứu hỏa tới hiện trường phối hợp chữa cháy, không để cháy lan sang khu rừng trồng và rừng phòng hộ của địa phương.
Sự cố trên chỉ là 1 trong tổng số 12 vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn tính từ đầu năm 2021. Thống kê cho thấy, các vụ cháy đã gây thiệt hại tổng diện tích 26,3ha. Đáng chú ý khi trong tổng số 12 vụ việc, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên nhân của 3 vụ, còn lại chưa xác định được nguyên nhân vì sao rừng bị cháy.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện giảm 1 vụ, nhưng số điểm cháy tăng 4 điểm và diện tích rừng bị cháy cũng tăng 11,47ha.
“Các vụ cháy chủ yếu là cháy thực bì dưới tán rừng, được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại lớn về cây rừng...” - ông Dũng cho hay.
Nguyên nhân của các vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn được nhìn nhận là do rừng có độ che phủ cao, thảm thực bì dày, là nguồn vật liệu dễ bắt lửa và lan rộng khi cháy. Số lượng máy móc trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rừng còn thiếu so với nhu cầu. Việc canh gác bảo vệ rừng của các hộ gia đình nhận giao khoán còn yếu. Các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các xã, chủ hộ nhận giao khoán còn mang tính hình thức…
Tăng cường công tác tuyên truyền
Theo thống kê, toàn huyện Sóc Sơn có 4.557ha rừng. Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng được huyện Sóc Sơn quan tâm. 8 đợt tuyên truyền lưu động đã được thực hiện. 250 banner được lắp đặt tại các “điểm nóng” và 4.000 tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống cháy rừng đã được gửi đến các chủ hộ nhận giao khoán rừng…
Lực lượng chức năng của huyện cũng đã tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Huyện cũng đã phân bổ ngân sách 1,9 tỷ đồng cho các xã có rừng và các ngành, tạo sự chủ động, đảm bảo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”…
Để ứng phó nhanh với cháy rừng, huyện đã triển khai làm đường cấp thực bì giảm vật liệu cháy rừng hơn 56ha nhằm phát huy tác dụng ngăn lửa khi xảy ra cháy. Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội tiến hành cấp phát 10 máy thổi gió xách tay cho 5 xã trọng điểm để phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, hiện nay đã bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn rất cao. Chính vì vậy, huyện chủ trương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của các chủ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Huyện cũng đề nghị 11 xã, thị trấn trọng điểm về cháy rừng thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức tốt công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, duy trì lực lượng canh gác, phát hiện sớm lửa rừng trong suốt mùa khô.
“Cùng với tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và diễn tập chữa cháy rừng cho các lực lượng, huyện sẽ thực hiện tốt công tác hiệp đồng với các đơn vị đóng quân trên địa bàn trong việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra sự cố…” - ông Tuấn cho biết thêm.
Thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng theo quy định của UBND TP Hà Nội là từ 1/10 năm trước đến 31/5 năm sau (8 tháng). Huyện Sóc Sơn có 10 xã và 1 thị trấn được TP xác định là trọng điểm cháy rừng, gồm thị trấn Sóc Sơn và 10 xã: Hiền Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Phù Linh, Minh Phú, Minh Trí, Tân Minh, Nam Sơn. |