Buổi sáng đèn sân khấu đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/12/1911, đoàn kịch Philarmonique đã công diễn vở hài kịch ''Chuyến đi của ông Perrichon,'' đánh dấu buổi “sáng đèn sân khấu đầu tiên” của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn đã trở thành một địa điểm chứa đựng một hàm lượng lịch sử to lớn trên mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà hát Lớn được khởi công ngày 7/6/1901 trên một vùng đầm lầy thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông thuộc tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Do thiếu kinh phí trầm trọng, đến mùa kịch năm 1911, công trình mới được khánh thành.

Nhà hát có diện tích 2.600m2, chiều dài 87m, chiều rộng là 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Mặt trước của công trình rất bề thế, có nhiều bậc trông ra Quảng trường Cách mạng tháng Tám.

Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory và nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.

Bên trong nhà hát trước đây có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, ngày đó chứa được 870 chỗ ngồi, ghế ngồi bọc da, một số chỗ bọc bằng nhung. Tầng giữa có nhiều phòng nhỏ dành cho khán giả có vé riêng.

Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Phía sau nhà hát là một phòng quản trị, buồng cho diễn viên hóa trang, phòng tập hát, thư viện và phòng họp.

Phía mặt trước trên tầng 2 là phòng gương rất lộng lẫy. Kinh phí xây dựng Nhà hát được duyệt vào lúc đó là 2 triệu franc Pháp.

Giáo sư-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người đã chỉ huy công việc trùng tu công trình này, từng nói đứng về phương diện kiến trúc và sự đánh giá của giới kiến trúc thì Nhà hát Lớn của Hà Nội nằm trong tốp 20 nhà hát đẹp nhất thế giới, tuy quy mô nó không lớn nhưng nó hết sức hoàn chỉnh.

Tối ngày 9/12/1911, đoàn kịch Philarmonique đã công diễn vở hài kịch ''Chuyến đi của ông Perrichon'' - đánh dấu buổi “sáng đèn sân khấu đầu tiên” của Nhà hát Lớn.

Trong vài thập kỷ sau đó, sân khấu của nhà hát không chỉ là sân chơi của giới thượng lưu quý tộc nước ngoài, mà còn là cái nôi cho nhiều sinh hoạt nghệ thuật của người Việt.

Từ vở kịch ''Người bệnh tưởng,'' ''Kẻ hà tiện'' của Moilère do những diễn viên nghiệp dư là những trí thức say mê với nền nghệ thuật phương Tây đến những vở kịch nói đầu tiên của người Việt Nam, như vở ''Chén thuốc độc'' của Vũ Đình Long với đội ngũ các diễn viên ngày một mang tính chuyên nghiệp hơn đã trở thành khởi điểm cho sự ra đời bộ môn nghệ thuật mới mẻ này...

Nhà hát Lớn cũng trở thành nơi chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật ý chí đấu tranh cho độc lập quốc gia qua những đêm diễn sôi động của Tổng hội sinh viên, Tổ chức Hướng đạo Việt Nam, hay Phong trào truyền bá quốc ngữ...

Không chỉ là một không gian văn hóa, Nhà hát Lớn với quảng trường rộng lớn trước mặt đã trở thành nơi chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên của đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội.

Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, trong suốt thời kỳ lịch sử của những ngày độc lập đầu tiên, Nhà hát Lớn đã trở thành một địa điểm hội tụ tất thảy hào khí của cuộc cách mạng. Hầu như mọi sự kiện quan trọng nhất đều diễn ra tại đây như Tuần lễ vàng, ra quân chống giặc dốt, giặc đói...

Cũng chính tại nơi đây, ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I đã họp phiên đầu tiên, sau đó nhiều kỳ họp quốc hội cũng đã tiếp tục được tổ chức tại đây.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Quảng trường Nhà hát Lớn lại trở thành nơi tiễn đưa những người con trai Hà Nội lên đường nhập ngũ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, míttinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Từ chỗ chỉ tổ chức 17 buổi biểu diễn nghệ thuật một năm trong năm 2000, đến nay, nhà hát thực hiện vài trăm buổi biểu diễn nghệ thuật mỗi năm, đón hàng trăm đoàn nghệ thuật quốc tế. Các buổi biểu diễn nghệ thuật đã đem đến cho công chúng Thủ đô những món ăn tinh thần đầy ý nghĩa.

Trải qua các biến chứng thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hóa phi vật thể, Nhà hát Lớn đã trở thành một di sản mà chúng ta tiếp nhận và phát huy nó như một chứng cớ của một thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nhà hát Lớn (9/12/1911-9/12/2011), Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám được công nhận là di sản kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.