Buôn lậu, hàng giả lại “nóng” dịp cuối năm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã thành quy luật, thời điểm cuối năm lợi dụng nhu cầu nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh nên hoạt động buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp. Dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng với những thủ đoạn tinh vi, dân buôn lậu, sản xuất hàng giả đã khiến các lực lượng chức năng phải gồng mình đối phó.

"Nóng" dịp cuối năm
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2021 lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra trên 1.300 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; xử lý hành chính 1.230 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 156 tỷ đồng. Như vậy, trong 10 tháng qua, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra 23.682, xử lý 20.702 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 2.515 tỷ đồng.
QLTT Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm ngày 11/11

Thực tế cho thấy, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, lợi dụng vấn đề này một số đối tượng tăng cường buôn lậu, sản xuất hàng nhái thương hiệu. Ngày 11/11 vừa qua, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương phối hợp với Cục QLTT Hà Nội, Bắc Ninh kiểm tra xưởng sản xuất, kho chứa hàng hoá tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) và phường Phù Lưu, TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) phát hiện gần 30.000 lọ sa tế tôm giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát”.
Trước đó, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại tổ 16 Tứ Liên (quận Tây Hồ) đã phát hiện 1.462 kg thực phẩm đóng gói gồm lườn vịt xông khói, cánh gà, trứng non, nầm, tràng lợn không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức, hiện các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả đang lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo... để rao bán, tiêu thụ mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu. Đáng lo ngại hơn, trong thời gian chống Covid-19 đã xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm…
“Vừa qua khi thuốc điều trị Covid-19 chính thức được phê duyệt sử dụng, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện việc rao bán thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ”- ông Trịnh Quang Đức nêu ví dụ.
Mở đợt cao điểm
Theo các chuyên gia chống buôn lậu, hàng giả, cả nước đang từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh nên những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần việc buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả sẽ diễn ra phức tạp. Vì vậy chống buôn lậu, gian lận thương mại càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm ‘nóng’ của lực lượng chức năng.
 QLTT Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng giả mạo nhãn hiệu Thuận Phát tại xã Yên Thường ngày 11/11

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Để ngăn chặn các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT chủ động làm tốt điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các kho tàng, bến bãi chứa hàng hóa, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), ga Yên Viên, ga Gia Lâm và các bến xe, sân bay... Trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm...
“Với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra” - ông Chu Xuân Kiên nêu rõ.
Các đơn vị khác như Công an TP, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội… cũng phối hợp triển khai kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng; kiểm tra kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết trên địa bàn TP Hà Nội.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn thông tin, từ nay đến hết năm 2021 Cục Thuế Hà Nội sẽ đẩy đẩy nhanh tiến độ thanh tra kiểm tra, đặc biệt chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn đề đang ''nóng'' hiện nay trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Tổng cục QLTT vừa tổ chức đầu tháng 11/2021, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhấn mạnh, thời gian tới lực lượng QLTT cả nước sẽ mở đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào những mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm soát việc một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đặc biệt các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Trong quá trình kiểm tra sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách qua đó kịp thời phát hiện, nhận diện những vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên