Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Buồn - vui chuyện ăn mặc cán bộ công sở

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều phụ nữ công sở, môi trường làm việc không đơn thuần chỉ là nơi để kiếm tiền mà đôi khi nó còn là một sàn diễn thời trang vô cùng tráng lệ. Nhưng cũng không thiếu những bộ thời trang làm nhức mắt anh em công sở.

Có một nhân viên nam đã từng tâm sự, tại công ty anh có một cô nàng thuộc thế hệ 9X có khuôn mặt rất dễ thương. Nhưng vì công ty không quy định mặc đồng phục nên cô nàng thoải mái tung hoành với bộ váy ngắn bó hoặc váy dài nhưng xẻ ở đùi. Mỗi khi nàng 9X ngồi xuống, bắt chéo chân thì thôi rồi, mình gần như thấy đến nửa đùi.
Không những vậy, cô còn thích mặc áo sơ mi, đa số là màu đen và màu trắng, để hở một nút phía trên. Mỗi lần vô tình nhìn cảnh này là đội nam công ty nóng mặt, chẳng thể tập trung làm việc được. Hoặc ở rất nhiều công ty khác, chị em phụ nữ tự do mặc áo 2 dây, áo sát nách, quần đùi ngắn đến cơ quan làm việc. Nhiều chị em cho rằng, chúng ta cần phải Tây hóa, có cách nhìn thoáng về thời trang ăn mặc, không nên cứ kín cổng cao tường mà phải “mát” để khoe vẻ đẹp cơ thể.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Trang phục, ăn mặc cũng như lời ăn tiếng nói, đây có lẽ là chủ đề được đề cập nhiều nhất mỗi khi nhắc đến văn hóa công sở. Rất khó để đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là trang phục phù hợp nơi công sở do vậy những quy định chỉ mang tính khung mà không thể bao quát hết từng chi tiết vốn có tính rất đa dạng của thời trang.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ, công chức chưa đề cao ý thức trong cung cách ăn mặc khi đến cơ quan; bởi vậy không quá hiếm trường hợp chúng ta bắt gặp một người đồng nghiệp ở cơ quan trong một trang phục quá tuềnh toàng, hoặc diêm dúa gây sự chú ý phản cảm… Những hình ảnh như vậy không phù hợp trong môi trường một cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ, nơi đòi hỏi cao nhất về tính chuyên nghiệp, tác phong nghiêm túc, lịch sự, gọn gàng luôn tạo ra không khí năng động.
Một khi xã hội phát triển thì một lẽ đương nhiên là con người cũng phải phát triển cùng với nó. Nhưng phát triển như thế nào để vẫn giữ được cái đẹp của con người thì không phải ai cũng làm được. Cái đẹp đích thực của cách ăn mặc phải là sự tinh tế, nền nã, kín đáo mà vẫn gợi cảm. Đấy cũng là cách ăn mặc thể hiện quan điểm thẩm mỹ truyền thống mà chúng ta nên phát huy.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa&Phát triển bày tỏ: “Nếu là người dân được phục vụ, tôi cũng thích một nhân viên ăn mặc nghiêm túc chứ không phải phấn son, quần áo lòe loẹt. Đồng phục lịch sự là chính xác, ăn mặc đúng mực cũng khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng.
Việc ăn mặc khêu gợi, xăm trổ đầy người, đánh móng tay chân đủ màu, nước hoa thơm lừng... thì hãy dành cho những buổi đi chơi hoặc làm công việc nghệ thuật. Làm công chức Nhà nước là thường xuyên tiếp xúc với ông già bà cả, trẻ em, có cả người nghèo... nên tạo hình ảnh để không quá khác biệt. Nếu muốn tự do ăn mặc kiểu gì cũng được thì có thể tìm môi trường làm việc khác. Cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu cán bộ công chức (CBCC) của mình chấp nhận điều kiện đó thì vào làm”.
Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử dành CBCC nơi công sở nhằm chấn chỉnh, uốn nắn cách ứng xử, ăn mặc. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm cần thiết, bởi Luật Công chức, viên chức đã quy định các quy tắc ứng xử của CBCC, quy định về trang phục của CBCC. Mặc đẹp là tôn trọng mình, tôn trọng người xung quanh ít nhất lấy được sự thiện cảm, tin tưởng của người mình giao tiếp… qua đó hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.
Ngược lại ăn mặc trễ nải, phản cảm là hình ảnh biết nói chứng tỏ CBCC này không tôn trọng bản thân, nội quy cơ quan, không tôn trọng mọi người. Tất nhiên, chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc mới là vấn đề cốt lõi. Những yếu tố còn lại chỉ để làm tăng thêm hình ảnh đẹp của CBCC trong con mắt người dân. Nhưng tạo được hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng chắc chắn sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho công việc.