Trường Tiểu học Mai Dịch (quận Cầu Giấy) là một trong những trường có mức thưởng Tết cho giáo viên thuộc top cao của Hà Nội với mức trung bình 20 triệu đồng/người. Đây cũng là mức thưởng bình quân cho giáo viên trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Dịch Phan Quỳnh Ngọc cho biết, không có quy định hay quỹ riêng nào về việc thưởng Tết trong giáo dục nên mức thưởng phụ thuộc vào quỹ tiết kiệm và quỹ tăng thu nhập của mỗi nhà trường. “Ngân sách Nhà nước cấp cho trường theo đầu học sinh, ngoài chi các khoản thường xuyên như lương, phụ cấp, đầu tư trang thiết bị dạy học, sửa chữa nâng cấp… thì nếu chi tiêu “khéo” và hợp lý thì có thêm quỹ để tăng thu nhập cho cán bộ giáo viên” – cô Phan Quỳnh Ngọc cho hay.
Tại các trường vùng cao, vùng miền núi khó khăn, dù cố gắng co kéo các khoản chi tiêu trong trường nhưng thưởng Tết cho giáo viên cũng chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Nhiều giáo viên cắm bản, tiền thưởng Tết không đủ để mua vé tàu, xe về quê ăn Tết. |
Cùng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, cách trường Mai Dịch không xa nhưng mức thưởng Tết cho giáo viên tại trường Tiểu học Nam Trung Yên thấp hơn khá nhiều. Theo thầy giáo Trần Văn Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, do năm qua trường phải đầu tư sửa chữa nâng cấp nhiều hạng mục, số học sinh của trường cũng không nhiều nên mức thưởng Tết cho cán bộ giáo viên không được bằng trường Tiểu học Mai Dịch, song cũng vẫn có một phần để động viên tinh thần cho các thầy cô giáo.
Tại các huyện ngoại thành của Hà Nội, mức thưởng Tết cho giáo viên thấp hơn hẳn so với các trường nội thành. Như tại trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), dù đã cố gắng tiết kiệm chi tiêu trong năm 2018, song mức thưởng Tết cho cán bộ giáo viên trong trường cũng chỉ dao động từ 3 - 5 triệu đồng/người. Một thầy giáo dạy môn Vật Lý tại trường THPT Hợp Thanh chia sẻ: “Cùng là giáo viên, sự cống hiến cho ngành chắc không khác nhau nhiều nhưng mức thưởng thì chênh lệnh nhau quá lớn. Nên chăng, ngành giáo dục nên có những quy định về quỹ thưởng Tết riêng như các ngành khác để có sự công bằng cho giáo viên” – thầy giáo này kiến nghị.
Để giáo viên có Tết trọn vẹnCục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh chia sẻ, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Bộ GD&ĐT đều có thông điệp với các địa phương, liên đoàn lao động, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và công đoàn giáo dục các cấp làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với nhà giáo.
Với kiến nghị của nhiều giáo viên về mong muốn có quỹ thưởng Tết, ông Minh cho hay, đây cũng là điều được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm trong việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN. Theo đó, khu vực công sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Quỹ tiền thưởng này dành cho các cơ sở giáo dục chi thưởng cho công chức, viên chức và người lao động. “Như vậy, khi thực hiện chính sách tiền lương mới, các cơ sở giáo dục có điều kiện hơn để chăm lo đến đời sống của giáo viên cũng như việc thưởng cho giáo viên để động viên, khích lệ tinh thần đối với các nhà giáo” – ông Minh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP hỗ trợ tặng quà 296 lượt giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tặng quà 60 cựu giáo chức ở 30 quận, huyện có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người. Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị gặp mặt, tặng quà 14 nữ giáo viên là vợ và 43 học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa với tổng số tiền và quà của ngành và các cấp công đoàn hơn 96 triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên vợ, con các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, giúp các chiến sĩ yên tâm công tác.