Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bướu giáp có thể gây ung thư

Bác sĩ Đàm Trọng Nghĩa (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Bướu giáp là một trong những căn bệnh phổ biến ở Việt Nam hiện nay, xuất hiện ở 4 - 7% dân số, nữ cao hơn nam 5 lần.

Bệnh thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm vùng cổ, hoặc khi bệnh nhân đi khám vì có các triệu chứng như biến dạng vùng cổ, đau vùng cổ trước…
5% bướu ác tính
Bướu nhân tuyến giáp có 2 loại: Loại đơn nhân và loại hoặc đa nhân (trên 2 nhân). U giáp có thể là nhân đặc (u tuyến), dạng nang, hoặc hỗn hợp cả 2 loại. Thông thường chỉ sờ thấy được các nhân lớn, nằm gần bề mặt, còn các nhân nhỏ dưới 1cm hoặc nằm phía sau rất khó phát hiện trên lâm sàng.

Bệnh nhân ung thư đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: Đức Vân

Để chẩn đoán bướu giáp, ngoài khám lâm sàng, cần làm siêu âm và xét nghiệm hoóc môn tuyến giáp. Bên cạnh đó, để chẩn đoán xác định bướu giáp là lành tính hay ác tính, cần làm thủ thuật chọc kim nhỏ vào các nhân (FNA), lấy mẫu mô đem soi dưới kính hiển vi, tìm tế bào ác tính. Đây là kỹ thuật đơn giản, nhưng rất giá trị vì nó có thể cung cấp các thông tin trực tiếp và đặc hiệu về một nhân tuyến giáp. Theo hướng dẫn của Hội các thầy thuốc nội tiết lâm sàng Mỹ (AACE) thì đây là phương pháp "được tin tưởng là hiệu quả nhất hiện nay trong phân biệt các nhân giáp lành tính và ác tính" với độ chính xác lên tới 95%, nếu người chọc có kinh nghiệm và người đọc có trình độ.
Các trường hợp ác tính chỉ chiếm gần 5% số ca có bướu tuyến giáp; thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi, nam giới, người từng bị chiếu xạ vào vùng đầu, cổ, ngực hoặc có người thân từng bị ung thư tuyến giáp.
Việc điều trị bướu giáp phụ thuộc vào chẩn đoán nhân lành hay ác tính, kích thước u, triệu chứng thực thể. Đối với bướu lành tính: Nếu nhân có kích thước nhỏ, hoặc bất kỳ kích thước nào nhưng có triệu chứng chèn ép như nuốt vướng, nuốt nghẹn, khàn tiếng, khó thở… nên phẫu thuật sớm. Đối với bướu nghi ngờ ác tính hoặc ác tính, việc phẫu thuật là chỉ định bắt buộc. Khối u sẽ được lấy ra làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định chính xác có phải là ác tính không.
Đối với phụ nữ có thai, việc chẩn đoán và điều trị bướu nhân tuyến giáp giống như người không có thai, trừ xạ hình tuyến giáp bị chống chỉ định. Đa phần các nhân này có từ trước khi có thai, và kích thước nhân có thể to lên trong quá trình mang thai. Về điều trị, nếu phải phẫu thuật thì an toàn nhất là trong 3 tháng giữa thai kỳ, trường hợp được chẩn đoán muộn ở nửa sau thai kỳ  nên trì hoãn tới sau đẻ.
Khi nào cần đi khám?
Những trường hợp sau cần đi thăm khám sớm: Phát hiện khối to bất thường vùng cổ, gây khó thở, nuốt khó, khàn tiếng. Ngoài ra, các triệu chứng khác như sút cân nhanh, hồi hộp, lo lắng, run tay, mất ngủ, đi ngoài lỏng kéo dài, đau khi nhân giáp bị chảy máu hoặc hoại tử. Việc thăm khám để loại bỏ ung thư là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc kháng giáp, chiếu tia phóng xạ và phẫu thuật... nhưng dùng phương pháp nào, phù hợp với ai, với thể loại bệnh gì thì cần khám cụ thể và theo dõi kỹ, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định.
Hiện nay có nhiều bệnh nhân bướu giáp tìm đến các thầy lang và được điều trị bằng cách dán cao hay đắp lá, đa số không khỏi bệnh, ngược lại còn có nguy cơ loét, nhiễm trùng, bỏng… Do đó, bệnh nhân khi phát hiện u giáp nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa về ung bướu và nội tiết để được khám, tư vấn đầy đủ và điều trị kịp thời.