Nhiều đại lý, siêu thị đã tạm dừng kinh doanh C2, Rồng đỏ. Rút hàng khỏi quầy - tạm dừng bán Bà Thanh Ngọc, đại lý kinh doanh mặt hàng nước giải khát trên phố Hàng Buồm cho biết: Trước đây, mỗi tháng cửa hàng bán từ 40 - 50 thùng nước C2, Rồng đỏ. Nhưng khi có thông tin sản phẩm nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép, nhiều khách hàng đã chuyển sang dùng loại đồ uống khác. Các quán nước vỉa hè cũng trong tình trạng tương tự. Bà Phạm Hậu (một tiểu thương bán lẻ trên đường Tôn Thất Tùng) chia sẻ: Bình thường, mỗi ngày, quán tạp hóa nhỏ của bà bán được 10 chai C2 cho các sinh viên trường Đại học Y nhưng thời điểm này, mỗi ngày bà chỉ bán được khoảng 2 - 3 chai.
Trong khi đó, nhiều siêu thị đã đưa ra phương án khá mạnh mẽ “Tạm dừng kinh doanh sản phẩm C2 và Rồng đỏ”. Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị (ngày 9/6) tại một số siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, trên kệ hàng của nhiều siêu thị đã không còn bày bán C2, Rồng đỏ. Tại siêu thị Lotte, trên một số kệ hàng bán nước giải khát ghi rõ “Hàng đang có vấn đề về chất lượng, chúng tôi tạm ngưng nhận hàng”. Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc thu mua ngành hàng Thực phẩm khô của hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam: Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngay khi có thông tin từ Bộ Y tế thu hồi sản phẩm nước giải khát Rồng đỏ, C2 (ngày 20/5/2016), ngày 21/5/2016, Lotte Mart đã quyết định tạm dừng việc lưu hành những sản phẩm nước giải khát này. Và chính sách được áp dụng trong hệ thống trên toàn quốc. Các siêu thị khác như Big C, Emart (Hàn Quốc), Vinmart, Co.opmart, Hapro… cũng đã dừng kinh doanh mặt hàng này hoặc cùng Công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Hapro đã rút toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng đỏ của URC ra khỏi kệ hàng hệ thống siêu thị Hapro. Người tiêu dùng e dè Tại quán nước vỉa hè trên đường Đào Tấn, khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về sản phẩm C2 và Rồng đỏ, ông Nguyễn Đình Nhân, hành nghề xe ôm vội xua tay: “Trước đây, tôi và những người thân trong gia đình hay uống C2. Nhưng khi con tôi đọc được các cảnh báo trên Facebook loại nước này nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nên gia đình chuyển sang uống loại khác”. Đây cũng là lo lắng chung của nhiều phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thu Hường, nhà ngõ 115 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) bày tỏ: "Mới đây, khi biết thông tin về nguyên liệu trà xanh C2, Rồng đỏ nghi bị nhiễm độc chì, gia đình tôi vô cùng hoang mang. Bởi con tôi cũng như nhiều cháu nhỏ khác có thói quen mỗi lần đi học về nóng nực là uống một chai C2. Bây giờ, điều tôi lo lắng là loại nước này nhiễm độc chì như thế nào và các cháu nhà tôi uống một thời gian dài như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao... Giờ nếu gia đình tôi bị ảnh hưởng sức khỏe, ai sẽ đền bù? Thế nên việc người tiêu dùng, DN bán lẻ tẩy chay không sử dụng loại sản phẩm này là điều đương nhiên” - chị Hường bày tỏ. Sự cố nước giải khát “nhiễm chì” được tung ra thị trường cho thấy cơ quan chức năng không nên để cho nhà sản xuất tự công bố chất lượng mà cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến khi xuất bán ra thị trường. Như thế mới có thể ngăn chặn hành vi sản xuất thực phẩm bẩn bán ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là bài học chung trong quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP.
Khách hàng chọn mua nước giải khát tại siêu thị Unimart Giảng Võ chiều ngày 9/6. Ảnh: Hoài Nam |