Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cá giả" đổ bộ Âu - Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi bê bối “thịt ngựa giả bò” đang làm chao đảo ngành sản xuất thực phẩm châu Âu, thì những thông tin vừa công bố về vụ “cá giả” tại thị trường này tiếp tục gây nên làn sóng phẫn nộ của người tiêu dùng.

 Hôm 22/2, tờ Der Standard của Áo cho biết, hơn 1/5 các sản phẩm cá đang được bày bán tại một số nước châu Âu đã bị gắn sai nhãn mác. Tại thị trường Đức, 1/4 sản phẩm cá bơn thực ra lại là các loại cá rẻ tiền khác "trá hình". Sản phẩm tôm của Tây Ban Nha, hay 1/3 các loại cá khác tại Armenia cũng trong tình trạng tương tự. Không chỉ lọt qua các quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, "cá giả" cũng xuất hiện tại Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Theo thông tin được đăng tải trên tờ New York Times ngày 21/2, 94% cá ngừ vốn được bán với giá cắt cổ tại đây thực ra là cá hố bạc có giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần.
 
"Cá giả" đổ bộ Âu - Mỹ - Ảnh 1
Không ai dám đảm bảo số cá được bày bán tại thị trường Âu - Mỹ không phải là "giả"

Trước đó, kết quả điều tra do Oceana - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ môi trường đại dương cũng khiến phần lớn người Mỹ bị sốc vì họ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua các loại "cá giả". Theo kết quả điều tra ở 12 khu vực trên toàn lãnh thổ, cá hồi đại dương đánh bắt tự nhiên được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm hay các nhà hàng sushi... thực ra là cá hồi nuôi công nghiệp. Trong 120 mẫu dán nhãn cá “hồng hường” được mua từ nhiều bang trên lãnh thổ nước Mỹ cho thấy 28 mẫu là loại cá khác được phù phép. Nơi mà người tiêu dùng dễ bị lừa nhất chính là các nhà hàng sushi, đặc biệt, tại Nam California - thủ phủ của sushi, có tới 52% các mẫu kiểm tra cho kết quả là một loại cá khác hoàn toàn với nhãn mác được công bố. Ông Kimberly Warner, người đứng đầu cuộc điều tra này của Oceana nhận định, vì hầu hết các loài cá biển đều có đặc điểm tương đối giống nhau nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa.

Không dừng lại ở hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng, “cá giả” còn bị tố cáo là có khả năng gây tổn hại cho sức khỏe của con người. Tại Mỹ, một số loại cá có chứa thủy ngân cao được khuyến cáo là không nên chế biến thành thực phẩm cho phụ nữ có thai, trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, cá kình, vốn nằm trong danh sách này đã được dùng để làm "vật thế thân" cho cá bơn, cá hồng hường... Giữa lúc béo phì, tim mạch trở thành mối đe dọa của phần lớn người dân Mỹ, châu Âu do thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, nhiều người đã tìm cách thay đổi thói quen ăn uống và hải sản, đặc biệt là cá đã trở thành lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên, vụ việc mới nhất này chắc chắn sẽ làm đảo lộn toàn bộ tập quán ăn uống của người dân phương Tây vì không ai có thể đảm bảo sau "ngựa đội lốt bò", "cá giả", sự lừa dối của ngành kinh doanh thực phẩm tại châu Âu, Mỹ sẽ chấm dứt.