Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đưa ra 5 chính sách để bàn bạc, lấy ý kiến. Cụ thể: Bãi bỏ các văn bản dưới luật và hướng dẫn chi tiết về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép; top 10 thí sinh xuất sắc nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước được cấp phép dự thi nhan sắc quốc tế; bãi bỏ văn bản thỏa thuận quyền tác giả trong phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Và đặc biệt là chính sách thứ 5 quy định các tác phẩm âm nhạc, sân khấu đã trở nên quen thuộc được phổ biến trong thực tế và không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia không phải cấp phép phổ biến.
|
Bộ VHTT&DL đang tìm cách ''cởi trói'' cấp phép cho những ca khúc sáng tác trước năm 1975. |
Nếu chính sách thứ 5 được thực hiện, được coi là hướng mở cho các tác phẩm sáng tác trước năm 1975. Bởi vì, câu chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) bỗng nhiên không cấp phép trở lại 5 ca khúc đã đi vào đời sống như “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh – Minh Kỳ), “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương)… vẫn còn nóng trên các diễn đàn. Hậu quả của sự việc này là nguyên Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương phải đăng đàn xin lỗi công luận và chịu điều chuyển công tác. Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sau sự việc trên Bộ VHTT&DL đã xây dựng dự thảo Nghị định để xin ý kiến.
Hay cấp phép một lần?Hiện nay, ngoài phương án bỏ cấp phép những sáng tác trước năm 1975, lập danh mục những bài hát cấm. Bộ VHTT&DL vẫn đề ra phương án tiếp tục quy định cấp phép nhưng sẽ kèm theo các điều kiện lưu hành. Nhạc sĩ Phan Phương – Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: “Tôi đang lưu giữ rất nhiều các sáng tác trước năm 1975 và cả những sáng tác trước năm 1945 nên tôi ủng hộ quy định cấp phép ca khúc. Bởi vì, bên cạnh những ca khúc nói về tình yêu đôi lứa thì rất nhiều ca khúc có ca từ phản động, hoặc kèm theo những chi tiết phản động được sáng tác trong thời kỳ này”. Nhạc sĩ Phan Phương cho rằng, ở thời kỳ nào cũng có quy định cấp phép ca khúc.
Đồng quan điểm trên, để trong sạch môi trường âm nhạc, trong bản trình bày ý kiến về dự thảo Nghị định nghệ thuật biểu diễn, Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ với các sáng tác kém chất lượng trong thời kỳ hiện nay. Các đơn vị ủng hộ quan điểm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nghệ thuật, nhưng cũng không thể thả nổi. Theo nhạc sĩ Phan Phương, điều kiện căn bản là Bộ VHTT&DL phải cập nhật đầy đủ công khai danh sách các ca khúc đã được cấp phép, tránh làm khó tác giả, gia đình tác giả, người sở hữu tác phẩm hoặc các đơn vị tổ chức biểu diễn xin cấp phép lại nhiều lần. Bộ VHTT&DL đang nghiêng về phương án có thể tiếp tục quy định cấp phép các sáng tác trước năm 1975, nhưng phân cấp về các địa phương, và phải đảm bảo điều kiện mỗi ca khúc chỉ phải xin cấp phép một lần.
Đến nay, Bộ VHTT&DL vẫn loay hoay giữa các phương án giữ hay bỏ phấp phép các sáng tác trước năm 1975. Bởi nếu mở toang cánh cửa cấp phép liệu công tác hậu kiểm có đảm bảo tất cả các chương trình, bài hát phổ biến đều đảm bảo chất lượng. Còn nếu quay về quy định tiếp tục cấp phép thì Nghị định có ra đời cũng chưa tạo ra sự đột phát cho đời sống nghệ thuật biểu diễn. Dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của đông đảo các đối tượng, dự kiến trình Chính phủ xem xét ban hành vào cuối năm 2018.